Gã trộm trèo tường khét tiếng nước Anh - Kỳ cuối: Bất ngờ cuối cùng

Có lẽ Katherine Dyson đã nhầm khi gọi Charles Peace là "con quỷ hoàn hảo" vì một con quỷ không thể nỗ lực sửa chữa sai lầm của mình như anh ta đã làm trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.


 

Charles Peace trên giá treo cổ.

 

Có thể nói ngay rằng không ai có thể thành tâm hơn, chân thành hơn, hối lỗi hơn Charles. Điều đó thể hiện rõ ràng qua hành vi và thái độ của anh ta. Anh ta lao vào chuộc tội cũng với cái nhiệt huyết và tinh thần anh ta thể hiện khi làm một tên trộm.


Bất kỳ người nào đã từng gặp Charles đều công nhận anh ta hối hận chân thành về những lỗi lầm trong quá khứ. Trong thời đó, sự ăn năn không có tác dụng hoãn, hủy thi hành án hay giảm tội cho nên người ta chỉ có thể cho rằng sự ăn năn của Charles xuất phát từ chính con người anh ta.


Trước khi bị hành quyết, Charles đã tặng cho chính quyền một điều ngạc nhiên cuối cùng khi tự thú tỉ mỉ về vụ giết một cảnh sát trẻ tên là Nicholas Cock, 20 tuổi, làm việc ở Sheffield hồi tháng 7/1875. Đó là thời gian mà Charles thường hay theo dõi nhà Dyson.


Cock và đồng nghiệp là cảnh sát Beanland đang đi tuần thì thấy một người đàn ông nấp trong bụi rậm gần nhà của Katherine. Khi Beanland lên tiếng gọi, người này nhảy qua bức tường bao quanh vườn trốn và suýt lao vào Cock.


 

Sách viết về cuộc đời Charles Peace.

 

Kẻ rút súng ra và cảnh báo Cock lùi lại nhưng giống như cảnh sát Robinson, Cock vẫn tiến về phía người đàn ông dù đạn bay vèo qua đầu. Hậu quả là anh cảnh sát hứng trọn viên đạn vào ngực, nằm bất động trên đất trong khi kẻ sát nhân bỏ trốn.


Trước đó, có ba anh em người Ailen bị cảnh sát Cock đưa ra tòa vì hành vi say rượu và một trong số họ đã dọa trả thù Cock. Dù không có mấy bằng chứng chứng minh người này, William Habron, đã bắn Cock nhưng anh ta vẫn bị xét xử và bị kết án tử hình. Trước ngày hành quyết, Bộ trưởng Nội vụ đã quyết định giảm án còn tù chung thân cho anh ta.


Trong số những người đến xem phiên xét xử có cả Charles Peace - thủ phạm thực sự của vụ giết cảnh sát Cock. Về sau, Charles thú nhận: “Mọi người sẽ nghĩ rằng tôi là một thằng độc ác vì để một người vô tội chịu hậu quả về tội ác mình đã làm. Nhưng trong tình huống như thế liệu người ta có đầu thú khi biết chắc mình sẽ bị treo cổ? Giờ tôi sắp phải từ bỏ cuộc sống của mình và cảm thấy rằng tôi chẳng thu được lợi lộc gì nếu giấu chuyện này. Nhân danh Chúa, tôi thấy mình đúng khi minh oan cho anh thanh niên trẻ tuổi vô tội đó”.


Cuối cùng, Charles cũng thuyết phục được chính quyền Anh rằng Habron vô tội trong vụ giết cảnh sát Cock. Habron được thả và được bồi thường 800 bảng.
Trước ngày hành quyết, Charles được vợ, con riêng của vợ và vợ chồng con gái đến thăm. Trong trạng thái tinh thần tốt, Charles mong muốn người thân kiềm chế tình cảm và cho biết anh ta cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Anh ta bảo người nhà bán hoặc trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật do chính anh ta tạo ra để lấy tiền, trong đó có bản vẽ tấm bia kỷ niệm mà anh ta muốn đặt trên mộ mình.


Charles đã đưa cho vợ một thẻ tang viết: “Tưởng nhớ Charles Peace - người đã bị hành hình ở nhà tù Armley thứ ba ngày 25/2/1879, khi 47 tuổi vì đã làm những gì không cố ý”.


Trước giờ ly biệt, Charles đã cùng người thân quỳ gối cầu nguyện nửa tiếng. Rồi anh ta bắt tay, cầu nguyện cho từng người một, lặng lẽ khóc khi người thân đi khuất.
Ngày 25/2/1879, một ngày lạnh lẽo, Charles đã ăn một bữa sáng thịnh soạn và bình tĩnh chờ người hành quyết. Khi bước lên giá treo cổ, anh ta tin tưởng rằng Chúa đã tha thứ cho những tội lỗi của mình. Anh ta chết mà không bao giờ biết rằng chỉ ba tuần trước đó, cô tình nhân Thompson đã đòi cảnh sát trả khoản tiền thưởng 100 bảng vì đã giúp họ bắt được Charles.


Mặc dù bị treo cổ vì tội giết người nhưng Charles Peace lại được cả những người săn lùng anh ta nể trọng. Một cảnh sát từng nói nhân vụ hành quyết tên trộm trèo tường khét tiếng rằng: “Quan điểm thật của tôi về Charles Peace là anh ta là một tên trộm chính cống nhưng không phải là một kẻ giết người có chủ tâm”.


Cuộc đời của Charles Peace đã được tái hiện trong bộ phim “Cuộc đời Charles Peace” năm 1905 của đạo diễn Frank Mottershaw và bộ phim “Trường hợp về Charles Peace” năm 1949 của đạo diễn Norman Lee.


Trong “Người khách hàng nổi tiếng”, một truyện ngắn của tác giả Arthur Conan Doyle, cái tên Charles Peace đã trở thành một trong số ít những tên tội phạm thu hút được sự chú ý của thám tử lừng danh Sherlock Holmes.


Thùy Dương (Mời xem trọn các kỳ trên trang web: baotintuc.vn)

Gã trộm trèo tường khét tiếng nước Anh - Kỳ 5: Lật mặt tù nhân bí ẩn
Gã trộm trèo tường khét tiếng nước Anh - Kỳ 5: Lật mặt tù nhân bí ẩn

Khi bị giam ở nhà tù Newgate, Charles biết rằng khai tên thật nghĩa là chết nên anh ta đã không hé răng về tên và nói dối về tuổi. Cảnh sát buộc phải triệu tập các nhân viên từ khắp miền nam nước Anh để xem có ai nhận diện được Charles hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN