Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 5: Luật sư đối đầu thám tử

O. J. Simpson bị bắt ngày 17/6/1994 nhưng mãi đến ngày 25/1/1995 mới bị xét xử. Hôm bắt Simpson, các thám tử đã tìm thấy trong xe của Simpson một túi du lịch gồm hộ chiếu, một bộ râu ria giả và một khẩu súng. Hai ngày sau, Simpson không nhận tội và bị giam ở nhà tù hạt Los Angeles.


Ảnh và mã tù nhân của Simpson trong hồ sơ cảnh sát.

Trong 15 tháng tiếp theo từ ngày bị bắt, Simpson ở trong một phòng giam tại một khu vực mà chỉ có anh ta là tù nhân duy nhất. Bên ngoài phòng giam là một phòng chung có đồ đạc, TV, tạp chí thể thao, báo chí và một điện thoại trả tiền. Dù là một tù nhân bị nghi giết hai mạng người nhưng Simpson không bị đối xử như những kẻ tình nghi giết người khác.


Đối với bên công tố, vụ việc tương đối đơn giản và có hàng núi bằng chứng chống lại Simpson: Anh ta có mối quan hệ bạo lực với Nicole, ghen tuông với cô từ khi ly dị. Anh ta đã mua một con dao cùng hình dạng, kích thước với hung khí giết người. Anh ta đánh rơi chiếc găng tay ở hiện trường vụ án, đi giày cùng cỡ với dấu giầy dẫn tới hiện trường. Máu của anh ta lẫn với máu của nạn nhân. Anh ta có động cơ, có cơ hội và không có bằng chứng ngoại phạm trong thời gian xảy ra vụ giết người.


Đối với bên luật sư biện hộ cho Simpson, vụ này còn đơn giản hơn. Họ coi thân chủ của họ vô tội, bị một đám cảnh sát hắc ám, dối trá, vô liêm sỉ gài bẫy. Các luật sư vẽ ra hình ảnh một Simpson - nạn nhân da đen bị hệ thống pháp lý của người da trắng cho vào tròng.


Tuy nhiên, Simpson không thể là biểu tượng của sự chia rẽ sắc tộc giữa người da đen và da trắng ở Mỹ. Anh ta kết hôn với phụ nữ da trắng, sống giàu có trong thế giới người da trắng, làm ăn với họ, chơi golf với họ, giao lưu với họ. Simpson là đại diện cho sự phân chia giàu nghèo thì chính xác hơn, thể hiện một điều rằng tiền có thể dễ dàng mua công lý.


 

Thám tử Fuhrman bị luật sư của Simpson công kích vì có quan điểm phân biệt chủng tộc.

 

Trong những tháng trước phiên xét xử, các luật sư của Simpson đã vạch ra chiến lược bào chữa dựa trên các bằng chứng mà cảnh sát đã gài bẫy thân chủ họ. Họ bắt đầu chĩa đòn tấn công vào thám tử Mark Fuhrman.


Ngày 25/7/1994, một bài báo trên tạp chí The New Yorker cho rằng thám tử Fuhrman đã cố tình đặt chiếc găng tay gần nhà của Simpson. Bài báo còn khơi ra những hành vi đáng lo ngại của thám tử Fuhrman trong quá khứ và quan điểm phân biệt chủng tộc mạnh mẽ của ông. Rõ ràng, tác giả đã dựa phần lớn vào cuộc nói chuyện với luật sư Robert Shapiro để viết bài này.


Trong khi đó, đối với các thám tử Sở cảnh sát Los Angeles, họ thấy nực cười trước cáo buộc rằng thám tử Fuhrman đặt chiếc găng tay gần nhà Simpson. Ông là nhân viên cảnh sát thứ 17 đến hiện trường, sau khi rất nhiều cảnh sát khác đã xem xét hiện trường và không ai phát hiện ra chiếc găng tay thứ hai gần xác hai nạn nhân.


Tuy nhiên, ngày 18/8/1994, luật sư biện hộ nộp đơn kiến nghị đòi xem hồ sơ nhân sự của thám tử Fuhrman. Các thám tử tham gia vụ án bị luật sư Shapiro cáo buộc vi phạm pháp luật khi tự ý vào khu nhà của Simpson. Trong khi đó, các thám tử cho rằng họ vào khu nhà vì lo cho sự an toàn của anh ta chứ không phải vì coi anh ta là nghi phạm.


Cuối tháng 9, nhóm luật sư biện hộ có nhiều thông tin đến mức họ cáo buộc không chỉ thám tử Fuhrman mà còn các thành viên khác của Sở cảnh sát Los Angeles cũng cố tình sắp xếp bằng chứng tại cả hai hiện trường vụ án. Nhóm luật sư đã đánh tiếng với tạp chí Time rằng cảnh sát dính líu rất sâu vào việc giăng bẫy Simpson.
Đến ngày 26/9, các luật sư đã đòi lấy mẫu tóc của thám tử Fuhrman và các thám tử khác, cũng như lục soát quần áo mà các thám tử đã mặc, xe ô tô họ đã lái vào ngày điều tra vụ án. Họ đòi chụp ảnh dấu giày của các thám tử để xem có ai để lại dấu giày dính máu ở quanh nhà của Nicole hay không. Đây là đòi hỏi mà cảnh sát Los Angeles chưa từng nghe thấy.


Các luật sư tiếp tục tung thêm đòn khi ngày 5/10, luật sư Gerald Uelman cáo buộc các thám tử cấu kết với nhau để nói dối và đưa ra bằng chứng giả.


Ngoài Fuhrman, thám tử Vannatter, người soạn lệnh bắt Simpson, cũng bị nhóm luật sư tấn công khi cho rằng lệnh bắt có vấn đề.


Cuối cùng, ngày 8/11/1994, một hội thẩm đoàn đã được lựa chọn để xét xử vụ án. Hội thẩm đoàn gồm 8 người Mỹ gốc Phi, hai người Mỹ lai, một người Mỹ Latinh và chỉ có một người da trắng. Tờ Newsweek về sau đã bình luận rằng “bên công tố gần như đã thua cuộc trong phiên tòa hình sự này vào cái ngày mà ban hội thẩm đoàn có người Mỹ gốc Phi chiếm đa số được lập ra”.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Cuộc đấu trí bắt đầu

Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 4: Cuộc rượt đuổi
Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 4: Cuộc rượt đuổi

Chiều ngày 15/6/1994, Allan W. Park - lái xe mà Simpson thuê để chở anh ta ra sân bay sau khi xảy ra vụ giết người - đã khai với cảnh sát rằng, Simpson dặn mình có mặt ở Rockingham trước 22 giờ 45.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN