Ngày 6/10, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết Belarus đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công hạt nhân chiến thuật từ Ba Lan. Ông đưa ra bình luận trên sau khi có những tiết lộ rằng Warsaw và Washington đã tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề chia sẻ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Lukashenko cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông báo họ đã đồng ý để Mỹ lưu trữ kho vũ khí ở Ba Lan. Điều đó có nghĩa là gì? Rằng chúng ta thực sự phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật”, ông Lukashenko phát biểu trên kênh truyền hình STV.
Nhà lãnh đạo Belarus tuyên bố vì quốc gia này không có vũ khí hạt nhân nên cần phải thực hiện các biện pháp thích hợp để đáp trả.
Một ngày trước đó, người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda đã tiết lộ với tờ tạp chí Gazeta Polska rằng Warsaw đã đề nghị Mỹ tham gia chương trình "chia sẻ hạt nhân” với họ.
“Chúng tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Mỹ về việc liệu Mỹ có đang xem xét một khả năng như vậy hay không”, Tổng thống Ba Lan nói.
Đáp lại tuyên bố của ông Duda, một quan chức Nhà Trắng nói với báo Guardian rằng phía Mỹ không hề nắm được thông tin về vấn đề nêu trên. Chiều 6/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nêu rõ Washington không nhận được thông báo về vấn đề này. Ngoài ra, ông Patel khẳng định Mỹ không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các thành viên gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau năm 1997. Trên thực tế, Ba Lan gia nhập khối năm 1999.
Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Là một phần của đề xuất an ninh được Moskva đưa ra tháng 12/2021, Nga nhất quyết yêu cầu Mỹ đưa các vũ khí này về nước, nhưng Mỹ và NATO từ chối.