Đây là bổ sung mới nhất trong kho vũ khí phòng không của Iran, được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở độ cao lớn, thể hiện bước tiến quan trọng trong năng lực quốc phòng của nước này.
Sự kiện ra mắt hệ thống Thunder diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Israel, đối thủ lớn nhất của Iran, đặc biệt liên quan đến chương trình hạt nhân và các hoạt động khu vực của Tehran.
Việc tập trung phát triển hệ thống phòng không nội địa của Iran được thúc đẩy không chỉ bởi nguy cơ hành động quân sự từ Israel mà còn bởi tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế, khiến Iran khó tiếp cận công nghệ quân sự từ nước ngoài.
Hệ thống Thunder: Tấm lá chắn ngăn chặn mối đe dọa trên không
Hệ thống Thunder, được giới thiệu trong Eqtedar 1403, là hệ thống phòng không tầm ngắn di động, được Iran phát triển nhằm bảo vệ các tài sản quan trọng khỏi các mối đe dọa từ trên không. Nó được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu bay thấp, như thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác.
Với khả năng cơ động cao, hệ thống Thunder có thể triển khai nhanh chóng để bảo vệ các cơ sở quân sự, sân bay và những vị trí chiến lược khác. Đặc điểm này giúp hệ thống phù hợp trong việc đối phó với các mối đe dọa linh hoạt trong môi trường chiến trường phức tạp.
Hệ thống Thunder là một phần trong chiến lược rộng lớn của Iran nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, điều đã bị hạn chế nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Những biện pháp trừng phạt này đã ngăn cản Iran tiếp cận các hệ thống phòng thủ tiên tiến từ Nga hay Trung Quốc, buộc nước này tập trung phát triển vũ khí nội địa.
Hệ thống Thunder đánh dấu một bước tiến trong nỗ lực này, bổ sung vào danh sách các hệ thống do Iran tự sản xuất, bao gồm Bavar-373 (được ví như S-300 của Nga) và Khordad-15, hệ thống phòng không di động có khả năng tấn công máy bay và tên lửa ở tầm trung và xa.
Đáp trả mối đe dọa từ Israel
Sự phát triển và triển khai hệ thống Thunder cũng là phản ứng của Tehran trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Israel, quốc gia sở hữu lực lượng không quân hiện đại trên thế giới.
Với các công nghệ tiên tiến như máy bay tàng hình, vũ khí dẫn đường chính xác và hệ thống tên lửa tầm xa, Israel được Iran xem là thách thức quân sự đáng gờm trong khu vực.
Iran ưu tiên các hệ thống phòng không tầm ngắn như Thunder để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc không kích tiềm tàng từ Israel. Hệ thống này được thiết kế nhằm vô hiệu hóa các thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác ở độ cao thấp, những mối đe dọa khó phát hiện và đánh chặn bằng các hệ thống phòng không thông thường.
Dưới đây là video về hệ thống Thunder khai hỏa tại cuộc tập trận Eqtedar (nguồn: Press TV):
Hệ thống Thunder góp phần nâng cao chiến lược phòng thủ nhiều tầng của Iran, bảo vệ đất nước trước hàng loạt mối đe dọa từ trên không. Với radar và hệ thống dẫn đường tiên tiến, Thunder có khả năng theo dõi và đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc, đảm bảo phản ứng nhanh trước các mối nguy đang thay đổi.
Dù thông tin chi tiết về tầm bắn và công nghệ dẫn đường của Thunder chưa được công bố, các chuyên gia cho rằng nó sử dụng các công nghệ được phát triển trong nước, tập trung vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong các tình huống chiến đấu phức tạp.
Mặc dù hệ thống Thunder đại diện cho bước tiến lớn trong năng lực phòng không của Iran, nước này vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận các linh kiện và công nghệ tiên tiến. Các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp tục là rào cản lớn, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Iran đã chứng minh khả năng vượt qua nhờ đổi mới và sản xuất nội địa.
Trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục leo thang, đặc biệt với khả năng Israel có thể tiến hành hành động quân sự nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, sự phát triển các hệ thống như Thunder trở nên đặc biệt quan trọng. Với khả năng triển khai linh hoạt và cơ động, hệ thống Thunder được kỳ vọng đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ các tài sản quân sự và hạ tầng chiến lược của Iran.