Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đó sẽ là thiết bị lượn siêu thanh (HVGP) và được lên kế hoạch triển khai phiên bản tên lửa vào năm 2026, sau đó là phiên bản nâng cấp sau 2028.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết tên lửa này có thể di chuyển gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Với vũ khí này, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ 4 trên thế giới sở hữu công nghệ lượn siêu thanh, sau Trung Quốc, Nga và Mỹ. Công nghệ này tạo điều kiện để tên lửa có thể lướt đi ở tốc độ cao trên tầng khí quyển – nơi được coi là “điểm yếu” với phòng không và khó đánh chặn.
Tên lửa siêu thanh đầu tiên này của Nhật Bản sẽ tập trung vào mục tiêu trên bộ, còn phiên bản nâng cấp sẽ có tốc độ cao và phạm vi hoạt động rộng để tấn công tàu kích thước lớn.
Cơ quan Hậu cần, Công nghệ và Mua sắm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phối hợp cùng công ty công nghiệp nặng Mitsubishi phát triển động cơ phản lực dòng thẳng để tăng sức mạnh cho tên lửa siêu thanh.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của tên lửa này chỉ giới hạn khoảng 500 km hoặc trong tầm “chính sách thiên về phòng thủ đặc biệt” của Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết HVGP có thể mang theo đầu đạn xuyên thủng được boong tàu sân bay. Nhật Bản khẳng định phát triển HVGP để phòng thủ cho các đảo xa tại Tây Nam nước này như quần đảo Okinawa.
Nhật Bản đã chi khoảng 18,5 tỷ yên trong ngân sách năm 2018 và 2019 dành cho nghiên cứu tên lửa siêu thanh. Ngoài ra, Nhật Bản dự định bổ sung thêm 25 tỷ yên dành cho chương trình này trong năm 2020.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho biết nếu Nhật Bản phát triển thành công vũ khí này, nó có thể là mối đe dọa với hoạt động của Hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Ông Zhou Chenming nói: “Có nhiều điều không chắc chắn, từ chính sách nội bộ của Nhật Bản cho tới thay đổi trong ngoại giao và công nghệ quốc phòng. Vì vậy chúng ta cần để ý tới việc chương trình này tiến triển đến đâu trong những năm tới”.
Nga và Trung Quốc là những quốc gia có thiết bị lượn siêu thanh. Nga đưa Avangard vào phiên chế từ tháng 12/2019, còn Trung Quốc cũng ra mắt DF-17 trong lễ diễu binh ngày 1/10. Vào tháng 3 vừa qua, Mỹ đã thử nghiệm thiết bị lượn siêu thanh C-HGB và kỳ vọng hoàn thiện vũ khí này trong năm 2022.