Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc (24/8/2004 - 24/8/2014), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc đã có bài viết nhan đề “Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững” báo Tin Tức Cuối tuần xin lược trích bài viết này.
Sau gần 30 năm đổi mới, nhất là 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng Tây Bắc đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt thành tựu đáng kể trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những thành tựu đạt được là rất quan trọng, song sự phát triển của vùng Tây Bắc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc. Ảnh: Lê Sơn |
Trước thực trạng trên, để khắc phục được những thách thức hiện nay, xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững, cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
1. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX). Tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức từ các bộ, ngành Trung ương đến các địa phương, trên cơ sở đó từng địa phương xây dựng chương trình hành động sát với điều kiện thực tiễn, có tiêu chí phấn đấu và lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm tính khả thi cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, rút ngắn khoảng cách giầu nghèo giữa vùng Tây Bắc với các vùng miền khác trong cả nước.
2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, xóa bỏ hủ tục canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng địa bàn, xây dựng vùng chuyên canh xản xuất hàng hóa có giá trị, thực hiện liên kết giữa các khâu (sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm), giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo ra những sản phẩm tốt có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng mới, bao gồm cả rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Giải quyết cơ bản đất ở, đất sản xuất ổn định lâu dài, chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hoàn thành việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư, bảo đảm cho người trồng rừng có cuộc sống ổn định và có thể làm giầu bằng nghề rừng.
Tập trung khai thác, phát triển các lĩnh vực thuộc thế mạnh của vùng như công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, thủy điện, du lịch…. Huy động mạnh mẽ nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các nhà máy thủy điện, khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, hạn chế tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển kinh tế du lịch, xây dựng các điểm, khu, tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái… Mở rộng đào tạo nghề gắn với bố trí việc làm, nhất là đối với lao động nông thôn; thu hút lao động vùng đồng bằng lên làm việc ở những ngành, lĩnh vực có yêu cầu, tạo sự chuyển biến cơ bản về cơ cấu dân cư và chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Bắc.
Tập trung xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Lạng Sơn và một số tuyến đường kết nối các tỉnh với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Nâng cấp và xây dựng các tuyến đường đến cửa khẩu, đường tuần tra biên giới, mở rộng hệ thống đường giao thông địa phương và giao thông nông thôn. Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo quy hoạch, tu bổ các công trình đang bị xuống cấp... mở rộng mạng lưới truyền tải điện sinh hoạt đến vùng sâu, vùng xa.
3. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp; xây dựng các trung tâm đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, xây dựng chính sách cụ thể, sát với thực tế đối với ngành giáo dục, y tế gồm: chính sách về đào tạo, thu hút cán bộ, phụ cấp ngành nghề… đồng thời coi trọng công tác đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế là người địa phương. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; tăng cường thiết chế văn hóa ở cơ sở, xóa bỏ hủ tục lạc hậu,thực hiện nếp sống văn hóa khu dân cư...
4. Củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống các loại tội phạm, nhất là hoạt động buôn bán ma túy, buôn người. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xác định rõ cơ chế phối hợp, phạm vi quản lý của từng ngành, từng địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định với các nước bạn láng giềng.
5. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là xây dựng Đảng; tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; củng cố các tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là ở thôn, bản. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có đủ phẩm chất và năng lực, tận tụy với nhân dân đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch và các hành động tiêu cực khác, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khôi phục giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, tăng cường mối đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng.
Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc*Đầu đề bài báo do Tin Tức đặt.