Tại buổi làm việc, Đại sứ Tanee Sangrat đã nêu khái quát về những nét lớn của Học thuyết kinh tế vừa đủ của cố Nhà vua thứ IX của Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Học thuyết đưa ra mô hình kinh tế vừa đủ dựa trên nhu cầu tiêu dùng điều độ, có chừng mực, sự tự chủ và khả năng tự miễn dịch với những bất ổn từ bên ngoài: không để bị ảnh hưởng bởi các vấn đề quốc tế về kinh tế, năng lượng, chính trị, ngoại giao.
Theo ông Tanee Sangrat, Học thuyết này đã được triển khai tại Thái Lan và đạt được những thành quả nhất định, có sức lan tỏa mạnh tới nhiều quốc gia trên thế giới. Dự án thí điểm áp dụng Học thuyết kinh tế vừa đủ sẽ được triển khai tại Thái Nguyên trong ba năm và phải xuất phát từ chính nguyện vọng, sự đồng thuận của người dân. Trong thời gian thực hiện, Cơ quan hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA) sẽ cử các chuyên gia, tình nguyện viên phối hợp với các ban, ngành tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án theo thực tế địa phương. Với triết lý này, người dân xây dựng nền tảng kinh tế vừa đủ có tính ổn định cao, có thể tự vệ trước các khó khăn bên ngoài tác động, không bị phụ thuộc, phát triển cộng đồng hoàn chỉnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đại sứ Tanee Sangrat và đại biểu đã cùng trao đổi về các vấn đề thu hút đầu tư Thái Lan vào Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung; kết nối hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của Thái Nguyên và Thái Lan; trao đổi về vấn đề phát triển du lịch, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại buổi tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ cho biết, Thái Nguyên là địa phương có nhiều nét tương đồng với các địa phương của Thái Lan, do vậy, việc triển khai dự án áp dụng Học thuyết kinh tế vừa đủ có triển vọng lớn. Ông Trần Quốc Tỏ đề nghị, Chính phủ Thái Lan, tổ chức TICA sớm phê duyệt dự án để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Thái Nguyên triển khai các chương trình dự án phát triển cộng đồng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng bền vững; hỗ trợ hình thành, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của địa phương.
Trên cơ sở triển khai thành công mô hình thí điểm, TICA và các cơ quan của Thái Lan tiếp tục mở rộng dự án ra nhiều địa phương khác. Đại sứ quán Thái Lan tiếp tục là cầu nối giúp tỉnh Thái Nguyên mở rộng, thiết lập quan hệ hữu nghị với các địa phương của Thái Lan, giới thiệu nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào Thái Nguyên.
Từ quý I/2019, TICA thực hiện khảo sát và lựa chọn hai xóm Đồng Bòng, Đồng Xiền, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên để triển khai thí điểm áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ. Dự án nhằm cải thiện, phát triển kinh tế và xã hội cho nhân dân thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp, du lịch cộng đồng, tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ sinh thái, môi trường. Mục tiêu cụ thể của dự án là: Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức các cấp và lãnh đạo, người dân dự án; phát triển sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; khôi phục và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa. Ngoài ra, hình thành và phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp, tạo thành kênh thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; thiết lập và hình thành nhóm hộ sản xuất, mô hình hợp tác xã, mạng lưới cộng đồng.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè an toàn thực phẩm, chè hữu cơ tại xóm Đồng Bòng; xây dựng điểm đón tiếp, giới thiệu hoạt động du lịch cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chí tại xóm Đồng Xiền. Dự án triển khai hoạt động tuyên truyền, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người sản xuất, chế biến chè…