Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, không gian và dân số tại các đô thị tăng nhanh. Nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn. Cảnh quan đô thị ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh hơn nhiều so với tất cả các thành phố khác. Hai thành phố này mở rộng thêm rất nhiều nhưng vẫn còn rất chật chội.
Quận Hà Đông là một trong những quận của Hà Nội đang trong quá trình phát triển nhanh về đô thị. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN |
Báo cáo cho biết, trong thập kỷ 2000-2010, Việt Nam từ vị trí có diện tích đất đô thị lớn thứ 7 trong năm 2000 (2.200 km2) lên vị trí thứ năm trong năm 2010 (2.900 km2) trong hệ thống phân cấp đô thị vượt qua cả Thái Lan và Hàn Quốc. Về không gian, các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hàng năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực.
Việt Nam có dân số đô thị lớn thứ sáu trong khu vực Đông Á. Trong giai đoạn 2000 với 2010, dân số đô thị tăng 7,5 triệu người. Trong giai đoạn này, dân số đô thị của Việt Nam thay đổi từ 19% lên 26%. Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng các khu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (7,8 triệu người) và Hà Nội (5,6 triệu người) nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực. Hai thành phố này chi phối cảnh quan đô thị của cả quốc gia.
Một góc khu đô thị mới phía Tây Hà Nội đang được mở rộng, với hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Báo cáo chỉ ra rằng, trong quá trình mở rộng đô thị ở Việt Nam, tốc độ đô thị tăng nhanh khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ mở rộng của hai thành phố này lần lượt là 3,8% và 4% hàng năm lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác trong khu vực trừ Trung Quốc.
Theo báo cáo “ Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ phát triển không gian”, gần 200 triệu người đã di chuyển đến các khu vực đô thị tại khu vực Đông Á trong giai đoạn 2000-2010, tương đương với số dân của một nước lớn thứ sáu trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên, dữ liệu so sánh các khu đô thị và dân số nhất quán trên toàn khu vực Đông Á. Điều đó đã giúp các chính phủ và các nhà lãnh đạo đô thị hiểu biết tốt hơn về hình hài và quy mô tăng trưởng để họ có thể thực hiện đô thị hóa đúng đắn, tạo cơ hội cho tất cả mọi người.
Báo cáo cho biết, trong vùng Đông Á có 869 khu vực đô thị có trên 100.000 dân. Trong đó bao gồm 8 thành phố lớn với hơn 10 triệu người, bao gồm đồng bằng Châu thổ Châu Giang, Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo và Osaka (Nhật Bản); Jakarta (Indonesia) Seoul (Hàn Quốc) và Manila (Philippines). Đồng bằng Châu thổ Châu Giang của Trung Quốc đã vượt qua Tokyo và trở thành đô thị lớn nhất thế giới cả về quy mô và dân số. Đồng thời báo cáo cho thấy con số các đô thị nhỏ hơn cũng tăng đáng kể. Thực tế có 572 khu đô thị nhỏ nhất với dân số từ 100.000 đến 500.000 người và 106 khu đô thị vừa với dân số 1 triệu - 5 triệu người có diện tích đất lớn hơn so với 8 thành phố kể trên.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)