Một số vấn đề môi trường mới đang được nghiên cứu như cơ chế thị trường phát thải để trao đổi hạn ngạch và tín chỉ cacbon; hạn ngạch phát thải nhằm tăng cường thu phí đối với các tổ chức, cá nhân phát sinh nhiều chất thải, khí thải nhà kính; xây dựng cơ chế mua sắm xanh để khuyến khích sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường; các rào cản kỹ thuật, áp dụng công nghệ, giải pháp tốt nhất hiện có để ngăn chặn những công nghệ, loại hình sản xuất cũ kỹ, lạc hậu xâm nhập vào Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Đối với các vấn đề môi trường xuyên biên giới như khai thác, sử dụng các dòng sông liên quốc gia, khói bụi xuyên biên giới và ô nhiễm môi trường biển, cần thông qua các chương trình hợp tác, hiệp ước quốc tế để đàm phán, đấu tranh nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường của Việt Nam.
Báo cáo Môi trường quốc gia 2019 sẽ tập trung phản ánh hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các vấn đề môi trường chính như thành phần không khí, môi trường nước, môi trường đất, đa dạng sinh học; đánh giá nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, từ bên ngoài; tình hình phát sinh chất thải, trong đó gồm chất thải thông thường, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải… đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài cũng như đề xuất kiến nghị.
Đặc biệt, thông qua Báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về kế hoạch, chiến lược bảo vệ môi trường thời gian tới. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 5 năm (2015-2020) của 36 chương trình, kế hoạch, đề án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường; cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, khu vực đông dân cư; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm tồn lưu, lưu vực sông…
Về lâu dài, để công tác bảo vệ môi trường ngày càng đạt hiệu quả cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội để từng bước, theo lộ trình bổ sung các danh mục, loại hình phải chịu thuế, phí môi trường nhằm thay đổi, điều chỉnh hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải; hạn chế các hoạt động gây tác động xấu đến môi trường; khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó bổ sung một số loại hình để tính thuế phát thải cacbon, định giá cacbon, phí chi trả dịch vụ hệ sinh thái, bồi hoàn đa dạng sinh học....