Kinh tế chia sẻ sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường - Bài cuối: Cần xác định trách nhiệm của các bên

Theo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kinh tế chia sẻ được nhận định sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam, tuy chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển.

Cơ hội và thách thức không nhỏ

Về bản chất, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Những lợi ích này tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế số và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy vậy, Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức cũng không hề nhỏ như làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường (quan hệ 3 bên, thay vì 2 bên trong hợp đồng kinh tế), tạo ra xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống. Máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách làm việc của con người dẫn đến một số nghề nghiệp sẽ hoàn toàn biến mất.

Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia chịu rủi ro cao nhất trong khu vực về việc làm do kinh tế chia sẻ với tỷ lệ ước tính khoảng 70%. Dù được xem là mô hình mang đến nhiều lợi ích cho xã hội nhưng trong một giai đoạn ngắn, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập cùng với những biến động khiến chính sách không thay đổi kịp. Khi xu thế phát triển nhanh chóng các mô hình kinh tế chia sẻ là không thể đảo ngược thì việc điều chỉnh chính sách quản lý là cần thiết để khai thác điểm mạnh, đồng thời hạn chế bất cập của kinh tế chia sẻ.

Kinh tế chia sẻ ngày càng được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi, là nguồn cung cấp tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí. Hiện một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ về dịch vụ vận tải trực tuyến (như Grab, dichung, fastgo v.v...), dịch vụ chia sẻ phòng (như Airbnb, Travelmob, Luxstay) và cho vay ngang hàng (P2P lending). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành trên thực tế như trong dịch vụ du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực...

Theo ước tính, cả nước có 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm dịch vụ vận tải trực tuyến. Khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam tính đến tháng 6/2017 và còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng đăng ký ở các ứng dụng khác. Khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6-12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ. Mức phí này đảm bảo giá thuê phòng vẫn thấp hơn khoảng 30% giá đặt phòng khách sạn qua các kênh truyền thống.

Đảm bảo môi trường bình đẳng và lợi ích của các bên 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019. Mục tiêu của Đề án nhằm đảm bảo môi  trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ. Công tác quản lý cần lường định các rủi ro và xác định trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia mô hình kinh tế này.

Để đáp ứng mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường khi thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ phân công tổ chức nghiên cứu đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Chinh cho biết, trong hoạt động kinh tế, vốn, lao động, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên được xác định là những đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế sẽ tạo ra chất thải thải vào môi trường - nơi tiếp nhận chất thải đầu ra của hệ thống kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên chứa đựng những giá trị nếu biết sử dụng khôn khéo thì sẽ không những không làm tổn hại đến các giá trị đó mà còn biến các giá trị đó thành đầu vào quan trọng cho sản xuất và phát triển kinh tế. Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng có môi trường làm việc, môi trường sống an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho tất cả người dân.

Đối với các tổ chức kinh tế thì việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường sẽ giúp không gặp rủi ro về pháp lý, thanh kiểm tra và chế tài xử phạt. Đặc biệt, trong dài hạn khi doanh nghiệp đầu tư bài bản, có hệ thống vào công tác bảo vệ môi trường sẽ gúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên (ví dụ giảm thiểu chi phí sử dụng nước, tái sử dụng các chất thải bỏ, xử lý biogas giúp giảm chi phí về nhiên liệu...), điều này sẽ góp phần làm tăng “lợi nhuận - động lực chính của các tổ chức kinh tế” trong nền kinh tế thị trường. Hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và quốc gia sẽ tăng lên. Sử dụng các nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng và xem như là một công cụ để hấp dẫn khách hàng.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế - quốc tế ngày càng sâu và rộng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và việc chấp hành các quy định về môi trường trong các sản phẩm hàng hóa xuất - nhập khẩu ngày càng được quan tâm và thể hiện chặt chẽ hơn trong các cam kết hội nhập mà Việt Nam tham gia. Chính vì vậy, khi các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về các sản phẩm của doanh nghiệp trên tầm quốc tế, tránh được những thất bại khi tiến hành các giao dịch thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh vận hành của nền kinh tế dựa trên nền tảng của thể chế kinh tế thị trường và các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, doanh nghiệp được xác định không chỉ là nòng cốt tạo ra sản phẩm cho xã hội và thúc đẩy thị trường phát triển mà còn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đòi hỏi phải phải tăng cường đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích hết sức tích cực cho chính các chủ thể của nền kinh tế như doanh nghiệp và cộng đồng, người dân và quốc gia.

Trước những bối cảnh, các tiềm năng, áp lực đặt ra cho tài nguyên, môi trường trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo đòi hỏi phải nghiêm túc nhìn nhận lại từ thể chế, chính sách đến thực tiễn quản lý và vận hành của nền kinh tế nhằm tìm ra các hướng tiếp cận, cách làm phù hợp hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, “kinh tế chia sẻ” là mô hình kinh tế tư hữu mà công dụng, tính hiệu quả cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện “Dự án điều tra, đánh giá, đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”, hướng đến những đề xuất thiết thực để đưa vào sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản…và các quy định pháp luật khác.

Dự án sẽ chỉ ra được các cách tiếp cận phù hợp cho các mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, giảm thiểu các nguy cơ về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh môi trường, giảm thiểu các nguy cơ xung đột môi trường, đảm bảo công bằng và góp phần đưa đất nước đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững đến năm 2030.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Kinh tế chia sẻ trong sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường - Bài 1: Con đường phát triển bền vững
Kinh tế chia sẻ trong sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường - Bài 1: Con đường phát triển bền vững

Mô hình và các hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu trên thế giới. Nhưng đến thời điểm hiện nay mới có những bước phát triển đột phá nhờ thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin. Đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mô hình này được coi là yếu tố cốt cõi của nền kinh tế số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN