Bảo đảm đủ nước sạch

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực đầu tư cũng như tạo mọi điều kiện xã hội hóa ngành cấp nước. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia, phải đến năm 2019 mới có thể đảm bảo đủ nước sạch cho người dân.

Khoảng 1 triệu người thiếu nước sạch

Ngay tại các quận nội thành, người dân ở nhiều khu vực vẫn phải dùng nước giếng khoan hoặc mua nước với giá cao. Các hộ dân tại Chung cư 234 Phan Văn Trị cho biết, hơn 200 hộ dân ở đây, nhiều năm nay vẫn không có nước máy để dùng. Nhiều hộ dân phải dùng nước giếng khoan hoặc mua nước can với giá 1.500 đồng/can 30 lít.

Tình trạng thiếu nước sạch ở các quận, huyện ngoại thành còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Phải bỏ ra cả triệu đồng để mua nước dùng trong một tháng, chị Thủy, một hộ dân ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, bức xúc, nước thì chỉ 1.500 đồng/can 30 lít, nhưng tiền chở hết 2.000 đồng. Tính ra, người dân phải dùng nước với giá hơn 100.000/m3, nếu một tháng dùng vài khối nước là mất gần cả triệu đồng. Với người dân nông thôn, thu nhập không cao, trong khi phải bỏ ra chừng ấy tiền chỉ để mua nước sinh hoạt là một khoản chi không hề nhỏ.

Nhà máy nước Thủ Đức 3 - một công trình xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, cung cấp cho Thành phố 30.000 m3/ngày. Ảnh: Hoàng Hải


Nhiều hộ dân khu vực này đành phải chấp nhận dùng nước giếng khoan nhiễm phèn hàng chục năm nay vì không chịu nổi chi phí mua nước sạch. Khổ sở hơn là những hộ dân ở khu vực gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, không chỉ những gia đình ở gần nghĩa trang mà ngay cả những hộ ở xa hơn, khi bơm nước giếng lên vẫn có mùi do nguồn nước ô nhiễm nặng. Nhưng hiện nay, khu vực này vẫn chưa có hệ thống đường ống cung cấp nước máy nên các hộ dân vẫn phải đánh liều sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, thậm chí để làm nước uống hàng ngày.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, toàn Thành phố hiện có 1.874.114 hộ dân, trong đó có 1.515.763 hộ được sử dụng nước sạch. Số 358.351 hộ dân còn lại hiện đang sử dụng nước từ các nguồn nước giếng khoan, nước mưa... tập trung chủ yếu ở các quận, huyện vùng ven. Kết quả kiểm tra chất lượng nước ở 1.400 điểm nơi các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch thuộc các quận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, đều không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Trong số 1.400 mẫu nước được lấy ngẫu nhiên để xét nghiệm kết quả có đến 1.342 mẫu (95,86%) không đạt chỉ tiêu hóa lý do độ pH thấp, hàm lượng sắt cao và chỉ có 45/1.400 mẫu nước (chiếm 3,21%) đạt chất lượng cả chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

Đẩy mạnh xã hội hóa


Theo tính toán của các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch trong năm 2015, Thành phố cần phải chi khoảng 5.000 tỷ đồng để phát triển mạng lưới cấp nước, xây dựng trạm bơm tập trung, lắp đặt bồn chứa, xây dựng hệ thống xử lý... Đây là khoản đầu tư rất lớn, nên đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh xã hội hóa ngành cấp nước.

Chủ trương xã hội hóa ngành cấp nước đã được Thành phố triển khai thực hiện hơn 10 năm trước và được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu cấp nước sạch đến 100% hộ dân. Mặc dù sau 10 năm, mục tiêu vẫn chưa thực hiện được, tuy nhiên, chủ trương này cũng đã phát huy tác dụng rất lớn. Cụ thể, trong hơn 1 triệu m³ nước sạch cung cấp cho người dân Thành phố mỗi ngày, hiện có hơn 400.000 m³ là do các nhà máy hình thành từ chủ trương xã hội hóa như Nhà máy nước BOO Thủ Đức và Nhà máy nước BOT Bình An... Nhà máy nước Tân Hiệp 2 - một trong những nhà máy được góp vốn từ chủ trương xã hội hóa, hiện cũng sẵn sàng cung cấp thêm 300.000 m³ nước sạch mỗi ngày. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đã mạnh dạn đầu tư nhiều nhà máy nước cung cấp cho các địa bàn vùng ven như quận 8, Cần Giờ...

Mới đây, Thành phố cũng vừa phê duyệt đề án xã hội hóa đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước và phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi. Tổng mức đầu tư từ nay đến cuối năm 2019 khoảng hơn 4.300 tỷ đồng. Theo đề án này, giai đoạn 1, Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng mạng ống cấp nước chính, dẫn nước từ Nhà máy nước Kênh Đông về thị trấn Củ Chi và 10 xã lân cận; xây mới, cải tạo các trạm xử lý nước ngầm, lắp đặt thiết bị xử lý hộ gia đình, đồng hồ tổng, các bồn chứa tập trung. Dự kiến hơn 98.400 hộ sẽ được cung cấp nước sạch. Giai đoạn 2 (2016 - 2019), Saigon Water sẽ đầu tư thêm khoảng 2.300 tỷ đồng để hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước, đảm bảo đến cuối năm 2019, 100% hộ dân được cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, ngành cấp nước hiện đang gặp phải hai vấn đề nan giải đó là thiếu nguồn nhân lực và kinh phí. Trên thực tế, ngành cấp nước luôn đòi hỏi một lượng nhân lực lớn với khối lượng công việc nhiều, trong khi nguồn ngân sách không tăng thêm nhưng phải chi cho rất nhiều hạng mục. Vì vậy, để đạt mục tiêu 100% hộ dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh, TP Hồ Chí Minh sẽ huy động nhiều giải pháp, nhiều nguồn lực, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 1.256 km hệ thống mạng phân phối nước nhằm giải quyết thêm cho 116.700 hộ dân có nước sạch. Những nơi chưa đầu tư nước máy, Thành phố sẽ xây dựng hệ thống cấp nước hợp vệ sinh, cung cấp cho khoảng 13.000 hộ dân. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục lắp đặt các bồn chứa, hệ thống xử lý nước tại nhà ở những nơi chưa có mạng phân phối nước, trạm bơm, sẽ lắp đặt bồn chứa nước để đảm bảo cho người dân được dùng nước sạch ở mức giá 5.300 đồng/m3.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh: Mặc dù nhiều nơi đang thiếu nước sạch, nhưng rất nhiều hộ dân có nước máy lại không sử dụng hoặc sử dụng rất ít. Nhiều hộ dân vẫn sử dụng nước giếng khoan, trong khi nước giếng khoan nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền cho người dân còn chưa tốt. Nếu người dân hiểu sự nguy hại khi sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn thì những nơi chưa có mạng cấp nước đến, người dân cũng sẽ đòi hỏi để được cung cấp nước sạch, chứ không phải cứ lặng lẽ sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh như hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019, sẽ phấn đấu đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Thành phố hiện đang tập trung đầu tư xây dựng nhằm nâng công suất cấp nước trong năm 2015 lên 2.120.000 m3/ngày. Phấn đấu đến cuối năm 2015, số hộ dân được cấp nước sạch đạt 1.736.993 hộ trên tổng số 1.874.114 hộ (92,7%). Giai đoạn 2016 - 2019, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư để nâng công suất cấp nước lên 2.950.000 m3/ngày, đảm bảo cung cấp đủ cho 100% số hộ dân trên địa bàn.


Lê Hiền
Sáng kiến tiết kiệm nước của nông dân Việt lên mạng toàn cầu
Sáng kiến tiết kiệm nước của nông dân Việt lên mạng toàn cầu

Hưởng ứng Tuần lễ Nước Quốc tế (23-28/8), Mạng thông tin toàn cầu của Tập đoàn Nestlé có trụ sở ở Vevey, Thụy Sỹ đã đăng tải thông tin về sáng kiến của nông dân Việt Nam giúp tiết kiệm nước trong sản xuất cà phê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN