Không có hồ bơi, thiếu sân chơi nên vào dịp nghỉ hè, học sinh thường kéo nhau ra các sông suối, ao hồ để tắm. Phần lớn các em đều không có kĩ năng về bơi lội. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Học sinh chết đuối liên tục
Mới đầu mùa nắng 2015 nhưng ở Nghệ An đã xảy ra 16 vụ đuối nước thương tâm: Vào chiều ngày 16/5, ba học sinh lớp 5 ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) rủ nhau ra bãi biển tắm, không may bị dòng chảy xa bờ cuốn trôi mất tích. Chính quyền địa phương và gia đình đã huy động động lực lượng và phương tiện tìm kiếm, mãi đến sáng 17/5 mới vớt được xác 3 em, trong đó có hai anh em sinh đôi. Không thể tả hết nỗi đau thương mất mát mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu.
Tắm sông, trẻ rất dễ bị đuối nước. |
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, hai em học sinh là Phạm Văn Th. (SN 2004,) và Nguyễn Văn Hải Q. (SN 2006,), trú xã Hưng Đông, TP Vinh rủ nhau xuống hồ nước gần nhà để mò ốc. Do sục vào chỗ nước sâu và không biết bơi nên 2 em đã bị dòng nước nhấn chìm.
Trước đó, 11h ngày 10/5, một nhóm học sinh học lớp 7 (thuộc Trường THCS huyện Thanh Chương Nghệ An) ra sông Lam để tắm. Trong lúc tắm, 2 em Nguyễn Thị Cẩm Tú và Lê Nguyễn Hà My không may đã bị nước cuốn trôi. Đến sáng ngày 11/5, thi thể của 2 em mới được tìm thấy…
Trong vòng 6 ngày đã có 7 học sinh tử vong do đuối nước. Đây là con số kinh hoàng khiến ai cũng phải phải giật mình lo lắng. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra hàng trăm vụ đuối nước, làm 90 trẻ em tử vong.
Không chỉ địa bàn Nghệ An mà tỉnh láng giềng Hà Tĩnh con số trẻ tử vong do đuối nước cũng rất nhức nhối. Theo thống kê chưa đầy đủ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hơn 30 trẻ em bị chết đuối. Có những trường hợp 3- 4 trẻ nhỏ chết đuối cùng lúc, như trường hợp 4 em học Trường THCS xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, ngày 21/6/2014 ra sông Đào để bắt hàu, do không biết bơi nên đã bị nước cuốn.
Có cả anh chị em trong một gia đình đã vĩnh viễn ra đi như trường hợp 3 cháu nhỏ: tại Sơn Long, huyện Hương Sơn. Vào chiều 20/7/2014 do nắng nóng, 3 chị em xuống khúc sông gần nhà để tắm, rồi rơi vào vùng xoáy sâu làm cả 3 đuối nước.
3 chiếc quan tài nối nhau ra nghĩa địa trong trời chiều ảm đạm làm quặn lòng người…
Dạy bơi... trên giấy
Trước thực trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra liên tục, các cơ quan chức năng Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn này. Bà Nguyễn Thị Mĩ Lương - phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An) cho biết: “Năm nào Sở cũng gửi công văn chỉ đạo các huyện về thực hiện phòng chống đuối nước cho trẻ em. Rất nhiều biện pháp được triển khai như tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về an toàn giao thông đường thủy, nhắc nhở các huyện chỉ đạo các văn bản của UBND tỉnh, và kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước; Chỉ đạo các huyện xây dựng mô hình “ngôi nhà an toàn”. Tổ chức các lớp dạy bơi, học bơi và kĩ năng cứu đuối tại một số huyện, thị…”
Nhưng theo đánh giá của dư luận thì những nỗ lực của các cơ quan chức năng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Các lớp tập huấn dạy bơi và kĩ năng cứu đuối này rất ngắn ngày và chỉ áp dụng cho một số em ở một vài huyện rồi những “hạt nhân” này về sẽ dạy bơi cho các em ở cơ sở. “Về cơ sở không có kinh phí, địa điểm bơi cũng không, thì rất khó thực hiện và nhân rộng biện pháp này. Nếu có thực hiện cũng chỉ là hình thức. Theo tôi, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở các địa phương chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động bề nổi. Tính chất dồn dập của bi kịch đuối nước tự nó cho thấy những nỗ lực lâu nay của xã hội, các ngành chức năng và gia đình là rất hạn chế” Ông Nguyễn Văn, một nhà giáo về hưu về nói.
Còn về việc dạy bơi ở các trường học: Cuối năm 2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo xây dựng lộ trình để năm 2015 đưa bộ môn bơi vào chương trình bắt buộc dành cho học sinh phổ thông. Hiện nay, chương trình dạy bơi đã thực hiện thí điểm ở 10 địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả và triển khai rộng rãi cần phải có lộ trình như: Đầu tư xây dựng hồ bơi tại các trường học, chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Vậy nên chương trình dạy bơi ở các trường học Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung chưa triển khai hiệu quả. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, việc thí điểm dạy bơi cho học sinh các trường học hiện nay mới chỉ thực hiện… trên giấy.
Hãy tự cứu mình…
Với những gì đã nêu trên, phải chăng sự lơ là, thiếu quan tâm, thậm chí thiếu trách nhiệm của người lớn đã kéo dài thêm danh sách những trẻ em chết đuối vốn rất dài ở nước ta? Rồi đây sẽ có chương trình dạy bơi trong trường học nhưng trước khi lộ trình này được phổ cập rộng rãi thì các em học sinh cần phải tự cứu lấy mình, tránh những nơi có ao hồ, sông suối nguy hiểm. Chính quyền địa phương cần phối hợp với nhà trường và gia đình thường xuyên giáo dục, cảnh báo cho các em về tai nạn đuối nước. Kiến thức Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa rất cần, nhưng nếu chúng ta không dạy và học cách phòng chống chết đuối, nhiều khi các kiến thức này trở nên vô nghĩa trước tai nạn sông nước.