Khó có nhân sự phù hợp Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ không có biên chế riêng cho cán bộ làm tư vấn học đường mà các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Đây chính là băn khoăn của khá nhiều lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện của Hà Nội.
Việc thành lập Phòng tham vấn học đường trong trường học thực sự là nhu cầu cấp thiết của học sinh. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên cho biết, các trường học của huyện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, huyện còn thiếu 130 giáo viên. “Rất nhiều trường còn thiếu phòng học, giáo viên cũng thiếu nên việc dành một phòng riêng để làm Phòng tham vấn học đường và bố trí giáo viên kiêm nhiệm quả thật không dễ”, bà Oanh chia sẻ.
Còn tại quận Hoàng Mai, một quận đang trong quá trình đô thị hóa quá nhanh, theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, quận thiếu 172 giáo viên Tiểu học, 124 giáo viên Trung học cơ sở. Hầu hết học sinh tiểu học phải học luân phiên, học sinh trung học cơ sở phải học 2 ca vì cơ sở vật chất không đủ đáp ứng.
"Chúng tôi chỉ có thể bố trí Phòng tham vấn học đường ghép với một phòng khác trong nhà trường nhưng như vậy thì không đúng với quy định về không gian bắt buộc như màu sơn, cây xanh, diện tích… Bố trí nhân sự kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý cũng nan giải khi chúng tôi đang thiếu giáo viên trầm trọng", bà Hạnh cho biết.
Khó bố trí nhân sự kiêm nhiệm cho Phòng tham vấn học đường cũng là trăn trở của lãnh đạo một số Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số lãnh đạo Phòng giáo dục cho rằng, dù cố gắng bố trí giáo viên kiêm nhiệm Phòng tham vấn học đường nhưng nếu không có chuyên môn tâm lý giáo dục thì hiệu quả sẽ không cao.
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất, Hiệu trưởng hoặc Tổng phụ trách trường là người phù hợp kiêm nhiệm công tác tham vấn học đường. Một số khác lại cho rằng ở cấp Trung học cơ sở, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân sẽ phù hợp nhất. Tuy nhiên trên thực tế, môn Giáo dục công dân cũng được các thầy cô giáo kiêm nhiệm đứng lớp, có rất ít giáo viên đúng chuyên môn giảng dạy.
Một số quận nội thành như Ba Đình, Đống Đa đã thành lập Phòng tham vấn học đường nhưng không sử dụng giáo viên kiêm nhiệm mà thuê chuyên gia tâm lý, kinh phí từ nguồn xã hội hóa và trích từ khoản tăng học phí năm nay. Tuy nhiên, con số này không nhiều và không phải trường nào cũng có điều kiện để làm như vậy.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 10, nhiều trường đã triển khai mô hình này như quận Ba Đình có 12 trường Tiểu học, 5 trường Trung học cơ sở; huyện Mê Linh có 11 trường Tiểu học, 8 trường Trung học cơ sở. Một số trường đã có Phòng tham vấn học đường từ trước và hiện duy trì rất hiệu quả như trường Trung học cơ sở Vạn Thắng (huyện Ba Vì), trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy), trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ)...
Xây dựng niềm tin, tạo hiệu quả
Chị Trần Thị Bình, phụ huynh có con đang học tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Con tôi 13 tuổi, đang ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý mạnh mẽ, phức tạp. Có rất nhiều câu hỏi của con tôi không thể trả lời được do không hiểu rõ về đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Tôi rất cần có người giúp đỡ và cần có nơi để chia sẻ, tư vấn. Tuy nhiên, đó phải là nơi thật sự đáng tin cậy và có chuyên môn.
Tâm lý nghi ngờ cũng khá phổ biến trong học sinh, nhất là những học sinh có cá tính mạnh mẽ do các em cho rằng mình có khả năng tự giải quyết vấn đề mà không cần trợ giúp. Trần Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 8A, trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nếu cần hỏi bất kỳ vấn đề gì, em sẽ tra Google hoặc hỏi bạn bè. Thu Trang cũng bày tỏ mong muốn khi Phòng tham vấn học đường tại trường mình được thành lập sẽ do một giáo viên có thái độ thân thiện với học sinh đảm nhiệm.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Chu Văn An cho rằng, công tác tư vấn tâm lý tại các trường học cần phải được tham gia bởi tất cả giáo viên trong trường, trong đó nòng cốt là Ban giám hiệu, người đứng đầu các ban, đoàn thể, các khối trưởng; cần phân cấp trách nhiệm cụ thể đến từng giáo viên chủ nhiệm và thực hiện theo phương châm phòng ngừa là chính để không gây áp lực cho học sinh.
“Các hoạt động giáo dục đạo đức, tư vấn tâm lý, tuyên truyền kiến thức xã hội cần phải được lồng ghép vào các ngày lễ, dịp kỷ niệm với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý. Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, chúng tôi cũng nhắc nhở, động viên, giải đáp những thắc mắc của học sinh, thông báo về hoạt động tư vấn tâm lý đang có tại trường để các em học sinh biết và thoải mái tìm đến chia sẻ”, bà Phạm Thị Anh Đào cho biết thêm.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, nhà trường cần có phương pháp thông tin cho học sinh biết về sự tồn tại của Phòng tham vấn học đường. Bên cạnh đó, thuyết phục để các em hiểu việc tham vấn tâm lý là giúp các em tự nhận ra vấn đề, tự lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp với mình, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với những vấn đề phức tạp khác còn có thể xảy ra trong tương lai.
Để học sinh thật sự tin tưởng và tìm đến các phòng tham vấn học đường khi gặp những vướng mắc tâm lý rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Như vậy, Phòng tham vấn học đường không chỉ phải là cơ sở tư vấn đáng tin cậy, đảm bảo sự riêng tư, nhạy cảm và bí mật, đặt ở địa điểm phù hợp, mà những người làm công tác tham vấn tâm lý còn phải được tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất, tư cách đạo đức để xây dựng uy tín, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho học sinh. Đồng thời, nhà trường cần có những hình thức tư vấn đa dạng, sinh động để có thể đáp ứng nhu cầu tư vấn cả về số lượng, độ tuổi, nhóm đối tượng cần tư vấn.