Bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học tại các Khu dự trữ sinh quyển

Chiều 26/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện tại Việt Nam trong 5 năm (2019-2024). 

Chú thích ảnh
Cù lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản và 3 cơ quan đồng thực hiện là các Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù Lao Chàm - Hội An và Tây Nghệ An.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án cho biết, năm 2022, nhiều hoạt động của Dự án đã được triển khai như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá khu dự trữ sinh quyển tiềm năng, xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý khu dự trữ sinh quyển, xây dựng kế hoạch phục hồi rừng tại các khu dự trữ sinh quyển, đánh giá cơ hội phát triển du lịch tại các khu dự trữ sinh quyển và các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng. 

Các kết quả của năm 2022 là nền tảng để triển khai các hoạt động trọng tâm của năm 2023 gồm: hoàn thiện và trình phê duyệt các văn bản, quy chế, kế hoạch quản lý tại các khu dự trữ sinh quyển; quản lý rừng bền vững, phục hồi các khu vực rừng bị suy thoái; sử dụng tài nguyên bền vững, hỗ trợ sinh kế cho người dân tại khu vực dành riêng cũng như cộng đồng tại khu dự trữ sinh quyển; quan trắc, giám sát các loài chỉ thị; đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức tại các khu dự trữ sinh quyển.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý Dự án, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ban triển khai dự án các tỉnh đã tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các hoạt động năm 2022; đồng thời khẳng định, năm 2023 là năm bản lề, quan trọng để dự án đạt được các mục tiêu và các kết quả đề ra. Các bên liên quan cần nỗ lực để đảm bảo đạt được tiến độ, chất lượng các hoạt động.

Tại hội thảo, Ban quản lý dự án, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, các Ban triển khai Dự án tại 3 tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam và Nghệ An đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án trong năm 2022, dự kiến các hoạt động năm 2023 và những đề xuất, kiến nghị đối với Ban chỉ đạo Dự án.

Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác thúc đẩy quản lý tổng hợp các Khu dự trữ sinh quyển. Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục hợp tác với Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong việc thúc đẩy các chương trình, sáng kiến về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: Sáng kiến tài chính đa dạng sinh học (BIOFIN), Sáng kiến Mạng lưới đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net), Dự án thúc đẩy du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động khác, nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 hiệu quả, kịp thời, phù hợp với Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

Hoàng Nam (TTXVN)
Huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học
Huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học

Tham gia Công ước Đa dạng sinh học từ năm 1994, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng đến giải quyết các mối đe dọa về đa dạng sinh học một cách toàn diện, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tạo điều kiện cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong nước phát triển...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN