Bảo tồn và gìn giữ nghề rèn Kiêm Tân ở Tứ Kỳ

Nghề rèn truyền thống Kiêm Tân xã Quảng Nghiệp đã tồn tại từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, hiện tại làng nghề truyền thống này chỉ còn lại 4 hộ gia đình vẫn giữ lửa cho nghề.

Tỉnh Hải Dương với hàng chục nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm trở lại đây. Nghề truyền thống không những giải quyết cho nhiều lao động ở địa phương mà còn đem lại nhiều tác phẩm cũng như vật dụng thiết thực trong đời sống. Tuy nhiên, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước những thách thức, nguy cơ mai một nếu không có giải pháp thiết thực để bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống này.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hộ (làng nghề rèn Kiêm Tân, huyện Tứ Kỳ) làm dao cung cấp cho thị trường. 

Nghề rèn truyền thống Kiêm Tân xã Quảng Nghiệp đã tồn tại từ nhiều đời nay. Những năm trước đây, nghề rèn này đã thu hút hàng chục gia đình tham gia sản xuất dao, liềm đã giúp ích rất nhiều cho người dân trong lao động. Tuy nhiên, hiện tại làng nghề truyền thống này chỉ còn lại 4 hộ gia đình vẫn giữ lửa cho nghề.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hộ (sinh năm 1952) đã gìn giữ nghề từ hàng chục năm nay. Sau khi trở về từ quân ngũ, ông đã gắn bó với nghề rèn dao và liềm từ học hỏi trong thực tiễn cũng như từ những gia đình có kinh nghiệm đi trước. Hiện nay trung bình mỗi ngày ông rèn được 20 con dao và liềm phục vụ người dân trong và ngoài xã, trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Do niềm say mê nên gia đình ông vẫn gắn bó với nghề này từ hàng chục năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Đình Hộ cho biết: Hiện nay, lớp thanh niên trẻ trong làng phần lớn không gắn bó với nghề do công việc làm vất vả, thu nhập thấp; nên chỉ còn lại những người già và gia đình truyền thống còn tiếp tục với nghề. Để rèn ra con dao, cái liềm đạt chất lượng thì yếu tố quan trọng nhất là chọn thép, tiếp theo đó là quá trình tôi thép để sản xuất thành phẩm. Nếu quá trình tôi thép nhiệt nóng quá thì lưỡi dao hay bị vỡ, nhiệt non quá dao sẽ không sắc nên quá trình tôi thép cần kiểm tra sao cho nhiệt vừa đủ để dao và liềm vừa sắc vừa cứng.

Cũng gắn bó với nghề từ nhiều thế hệ nay, theo bà Nguyễn Thị Xuân, 66 tuổi thôn Kiêm Tân, nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, khéo léo cũng như tính kiên trì và sáng tạo. Không chỉ nghề rèn mà bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi người thợ phải có cái tâm, giữ chữ tín, có như vậy sản phẩm làm ra vừa đẹp, bền và tiện dụng trong sinh hoạt và sản xuất.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hộ đang giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm làng nghề rèn Kiêm Tân, huyện Tứ Kỳ. 

Hiện nay, huyện Tứ Kỳ có 11 làng nghề tại 7 xã, thị trấn được UBND tỉnh Hải Dương công nhận với tổng số là 6 hộ tham gia. Các làng nghề như chiếu cói, đan mây tre, thêu ren, mộc, rèn… đã giải quyết cho trên 700 lao động nông nhàn ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: Hằng năm, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ sản xuất tại các làng nghề truyền thống để gìn giữ và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, tại các làng nghề đều thiếu về nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, lợi nhuận thấp nên nhiều thế hệ trẻ không thiết tha gắn bó với nghề.

Hơn nữa, công nghệ sản xuất của các làng nghề chủ yếu là thủ công năng suất thấp, thường thiếu hụt lao động vào những mùa cao điểm. Nhiều làng nghề còn gặp khó khăn về nguồn vốn để phát triển sản xuất. Do vậy, huyện Tứ Kỳ đã kiến nghị với UBND tỉnh có cơ chế đặc thù để phát triển và bảo tồn các làng nghề đã được công nhận. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để làng nghề xử lý vấn đề ô nhiễm, đào tạo bồi dưỡng cho thế hệ kế cận cho các nghệ nhân để tránh tình trạng mai một.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện tại toàn tỉnh có 66 làng nghề truyền thống với 11 nhóm ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp với hơn 5 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh. Các làng nghề hiện nay đã thu hút khoảng 22.000 lao động thường xuyên tại các địa phương tiêu biểu như làng nghề mộc Đông Giao huyện Cẩm Giàng, bánh đa Hội Yên huyện Thanh Miện, thêu Xuân Nẻo huyện Tứ Kỳ, vàng bạc Châu Khê huyện Bình Giang…

Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hải Dương định hướng phát phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị của từng địa phương.

Một trong những phương án được đưa ra là phát triển du lịch gắn với du lịch nông thôn và làng nghề truyền thống. Theo đó, du khách tới tỉnh Hải Dương có thể trải nghiệm làng nghề truyền thống như sản xuất gốm Chu Đậu huyện Nam Sách, thêu ren Xuân Nẻo huyện Tứ Kỳ, đồ gỗ Đông Giao huyện Cẩm Giàng và nhiều làng nghề khác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Phát triển du lịch làng nghề là một hướng đi mới không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương đã được nhiều thế hệ lưu giữ và duy trì đến ngày nay.

Tiến Vĩnh (TTXVN)
Đề xuất giải pháp phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số
Đề xuất giải pháp phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

Chiều 13/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức Tọa đàm khoa học "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN