Ngoài bảo tồn được tính nguyên vẹn, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn có giá trị cao về đa dạng sinh học. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sống của các loài động thực vật, giữ lại những nét hoang sơ vốn có của Khu bảo tồn này.
Theo đại diện Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long thuộc Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có tổng diện tích 2.736 ha thuộc địa giới hành chính 7 xã của huyện Gia Viễn. Đây là nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào".
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 2 hệ sinh thái điển hình là hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái trên núi đá vôi. Về thực vật có 722 loài thuộc 277 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có một số loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam như Cốt toái bổ, Bát giác liên, Đơn gai...
Về động vật, tại đây đã ghi nhận được 39 loài thú thuộc 19 họ, 8 bộ; 100 loài chim thuộc 39 họ, 13 bộ; loài bò sát ếch nhái thuộc 17 họ, 3 bộ; 43 loài cá thuộc 16 họ, 5 bộ; 132 loài côn trùng thuộc 47 họ, 10 bộ; 48 loài động vật thân mềm trên cạn thuộc 20 họ, 3 bộ; 60 loài động vật loài giáp xác thân mềm ở dưới nước thuộc 20 họ. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn là nơi loài Voọc mông trắng tập trung đông nhất tại Việt Nam và có thể dễ dàng quan sát ngoài tự nhiên.
Ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long cho biết, ngay từ khi thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long vào năm 2001, Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thống kê, xác định ranh giới các loại đất trong khu vực, tiến hành cắm mốc ngoài thực địa, không thực hiện di dân và lấy chính người dân làm nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững.
Ban quản lý đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao sinh kế cộng đồng như cho phép người dân khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, ưu tiên cho những hộ gần rừng và chịu ảnh hưởng sinh kế được nhận khoán bảo vệ rừng; xây dựng các mô hình điểm về sử dụng khôn khéo đất ngập nước; mô hình canh tác bền vững trên đất dốc và cải tạo vườn tạp. Nhận thức được nâng lên, người dân đã tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng và diện tích đất ngập nước.
Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức 4 đợt điều tra đa dạng sinh học, lập danh lục các loài động, thực vật rừng phân bố tại khu bảo tồn; thực hiện 3 đề tài khoa học, trong đó 2 đề tài chuyên đề về loài Voọc và 1 đề tài về sử dụng khôn khéo đất ngập nước. Kết quả, đến nay, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đất ngập nước đã được quản lý tốt, sử dụng đúng mục đích, không có tình trạng xâm lấn đất rừng, chuyển mục đích trái quy định. Theo kết quả nghiên cứu và giám sát đa dạng sinh học cho thấy, từ khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 40 cá thể Voọc mông trắng, đến nay đã có gần 200 cá thể.
Năm 2019, Ban thư ký Công ước Ramsar trao Bằng công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Tháng 8/2020, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được Ủy ban Danh lục Xanh toàn cầu chính thức phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh. Đây cũng là khu vực đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đạt danh hiệu này.
Theo đại diện Hạt Kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, nhân dân các xã có rừng sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông và lâm nghiệp, một bộ phận người dân sống phụ thuộc vào rừng. Chính vì vậy, để bảo vệ rừng đặc dụng Vân Long, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt các chương trình hỗ trợ các thôn vùng đệm giúp nhân dân biết cách phát triển rừng gắn với sinh kế, bảo vệ tính đa dạng sinh học; tích cực thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ về hỗ trợ khoán khoanh nuôi tái sinh rừng, khoán bảo vệ rừng, trồng rừng. Đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương với nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, lồng ghép nội dung vào các chương trình, hội nghị.
Từ năm 2001 đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã có hơn 40 ha rừng được trồng mới, trong đó 3 ha rừng là cây bản địa được trồng, khoanh nuôi để tăng cường thức ăn cho loài Voọc mông trắng. Tỷ lệ che phủ rừng tốt đã tạo môi trường sinh sống cho các loài động, thực vật, làm giá đỡ cho các loài chim sinh trưởng, phát triển.
Đồng thời, đơn vị đã thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, tổ đội phòng, chống cháy rừng; xây dựng các tuyến đường tuần tra, đặc biệt những phân khu, vị trí trọng điểm có các loài động, thực vật quý hiếm, nhằm ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép. Đơn vị tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về công tác thực thi pháp luật, nâng cao kiến thức về môi trường, quản lý đất và sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện bổ sung Dự án đa dạng sinh học khu bảo tồn, thống nhất quản lý toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và diện tích đất ngập nước; xây dựng phương án quản lý bền vững rừng đặc dụng, chương trình quản lý khai thác du lịch tại khu bảo tồn đảm bảo tính nguyên vẹn, phát triển bền vững trên cơ sở liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng...
Ông Bùi Công Chính, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn cho biết, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững hết sức quan trọng, nhằm xác định các biện pháp cơ bản trong quản lý tài nguyên rừng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.
Thời gian tới, Hạt kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó chú trọng nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn bền vững; tăng cường kêu gọi hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao nguồn kinh phí, hiệu quả công tác bảo vệ rừng.