Với sự xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, việc thực hiện tiêu chí môi trường đã mang lại những kết quả rõ rệt.
Chuyển biến ý thức về bảo vệ môi trường
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, công tác quán triệt và triển khai thực hiện nội dung môi trường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn thể người dân ở các địa phương thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhiều địa phương đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định chuyên đề riêng về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành. Các sở, ngành có liên quan phụ trách các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đã cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Trung ương, đánh giá kết quả thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
63/63 địa phương trong cả nước đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường cấp xã, huyện. 51/63 địa phương ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường xã nông thôn mới nâng cao. 23/63 địa phương ban hành quy định, hướng dẫn về xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 691 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, từng địa phương. Nhiều đơn vị cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện nội dung môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Tại nhiều nơi, ý thức về môi trường của người dân đã có những bước chuyển biến đáng kể. Họ đã không coi việc vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, việc trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc “phải làm”, mà người dân đã coi đây là việc “cần làm” với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao, như tại các địa phương Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Trị...
Nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác bảo vệ môi trường nhờ phát huy vai trò của cộng đồng; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội. Kết quả đó được thể hiện qua số các xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 61,1%, tăng 3,9% so với cuối năm 2018. Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có 2.744/3.474 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm, đạt 79,0% (tăng 69,7% so với năm 2010 và tăng 20,8% so với năm 2015), trong đó Bắc Trung Bộ đạt ,7%, Đồng bằng sông Hồng đạt 87,6%.
Sự thay đổi vượt bậc
10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đó là việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự thay đổi vượt bậc, từ phương thức quản lý, quy trình vận hành đến tỷ lệ thu gom và biện pháp xử lý.
Tính đến tháng 12/2018, cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy định, còn lại 4 tỉnh, thành phố đang tổ chức lập, phê duyệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai. Quy hoạch xử lý chất thải rắn, trong đó có hợp phần chất thải rắn nông thôn là một nội dung trong quy hoạch nông thôn mới. Hiện gần 100% số xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới đều xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ.
Đến nay, 42/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn. Trong đó, một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...; 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh là Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Bạc Liêu.
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn trong cả nước ước khoảng 31.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt 40 - 55%. Tại các thị trấn, thị tứ, và vùng ven đô, tỷ lệ thu gom vận chuyển đạt khá cao (đạt khoảng 60 - 80%). Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn khu vực nông thôn hiện nay được thực hiện theo 3 hình thức: Thu gom tập trung theo cấp huyện; thu gom tập trung theo cấp thôn, xã; người dân tự thu gom, xử lý hoặc mang ra khu vực nhất định để thải bỏ.
Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã tổ chức và thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, nâng tỷ lệ chất thải được thu gom lên hơn 90% trên tổng lượng chất thải phát sinh. Hầu hết các xã, thôn đã được công nhận nông thôn mới đều đạt tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt rất cao (trên 80% ở cả xã và thôn).
Bên cạnh đó, hoạt động phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương tiêu biểu như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An... hưởng ứng và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên... với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%, ước tính mỗi ngày lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày. Việc phân loại xử lý rác thải nông thôn tại nguồn của Hà Tĩnh được thực hiện tại hộ gia đình hoặc tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Hiện hơn 71.000 hộ dân đã thực hiện phân loại rác tại hộ và hơn 30.000 hộ đã được tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ tại nhà. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 mô hình ủ phân vi sinh tập trung. Hầu hết các hộ dân thực hiện theo hỗ trợ hướng dẫn từ Hội Nông dân và Hội Phụ nữ cơ sở.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đã có những bước tiến đáng kể, song hiện vẫn còn nhiều tồn tại cần được khắc phục, xử lý trong thời gian tới. Trong đó, phương pháp chôn lấp vẫn chiếm tỷ lệ rất cao (trên 70%), ngoài ra, vẫn còn nhiều nơi, người dân đổ chất thải lộ thiên (tập trung tại một khu vực riêng, không có các giải pháp bảo vệ môi trường như lót thành đáy hố chôn, thu gom và xử lý nước rỉ rác, lấp đất che phủ...) hoặc sản xuất mùn hữu cơ cho nhà vườn. Tại nhiều nơi, người dân vẫn còn tự xử lý rác (đốt) tại các hố chôn trong vườn nhà phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Bài 2: Tạo diện mạo mới ở nông thôn