Trước đó, vào lúc 4 giờ cùng ngày, ông Lê Tám, trú tại phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn) trong quá trình khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại đã phát hiện một con rùa bị mắc lưới.
Qua quan sát ban đầu, rùa có mai bẹp thấp, màu đen, có 3 hàng gai nhọn dọc trên mai. Đuôi dài, mềm và có gai nhọn như đuôi cá sấu. Đầu không có vảy trán. Thấy không giống các loại rùa thường gặp, ông Tám đã liên hệ Chi cục Thủy sản Bình Định để giao nộp.
Tại thời điểm bàn giao, con rùa cá sấu này nặng 4,3 kg, dài 45cm (bao gồm đuôi), đuôi dài khoảng 10cm. Tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, rùa cá sấu có tên khoa học là Macrochelys temminckii, là một trong những loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới hiện nay. Đây là loài ngoại lai, đang bị đe dọa theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Loài rùa này xuất hiện nhiều ở vùng sông nước miền Nam Hoa Kỳ. Do việc buôn bán vật nuôi kỳ lạ diễn ra mạnh mẽ, loài rùa này đã xuất hiện ở châu Á và châu Âu. Đây là lần đầu tiên rùa cá sấu xuất hiện tại Bình Định.
Vì là loài ngoại lai không thể thả về môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản Bình Định đã liên hệ và bàn giao cho Vườn thú FLC Zoo Safari Quy Nhơn để chăm sóc và nuôi dưỡng.
Trước đó, vào 23/3/2021, một ngư dân ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) trong quá trình hành nghề khai thác thủy sản trên đầm Đề Gi đã phát hiện một con rùa biển nặng khoảng 120 kg bị mắc lưới nên đã giao nộp cơ quan chức năng.
Ngày 7/3/2021, ngư dân ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) đã liên hệ Chi cục Thủy sản Bình Định giao nộp một con rùa biển nặng 28 kg để thả về biển. Rùa biển này thuộc loài Vích, nằm trong nhóm đang bị đe dọa theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và cấm buôn bán vận chuyển quốc tế theo công ước CITES.