Tại khu vực 1, phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn), bà Võ Thị Liên cùng gia đình dọn dẹp lớp đất đá bị sạt lở trên núi bà Hỏa xuống nhà từ tuần trước đến nay. Bà Liên cho biết, khu vực này từ trước đến nay chưa từng xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, do mưa lớn những ngày qua, một lượng đất đá lớn và cây cối đổ tràn xuống khu vực dân cư sinh sống. Bà Liên mong chính quyền địa phương có giải pháp kè chắn an toàn để núi bà Hỏa không tiếp tục sạt lở.
Trong khi đó, tại thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn), ông Trần Văn Tân tranh thủ mưa tạnh, nước lũ rút để cùng người dân trong thôn dọn dẹp đất đá tràn vào những thửa ruộng để chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân. Ông Tân cho biết, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi một đoạn đường làng chia cắt 3 hộ dân; hiện người dân đang dùng đất đá làm đường đi tạm.
Tại huyện Tuy Phước, sau khi nước lũ rút, các thầy cô tại trường Tiểu học Phước Thuận 2, xã Phước Thuận cùng dọn dẹp lớp bùn đất bị nước lũ cuốn trôi bám vào bàn ghế, nền xi măng, đồ đạc của nhà trường. Thời tiết nắng ráo nên công việc diễn ra thuận lợi, trong ngày mai, 4/12, học sinh có thể trở lại trường học.
Tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát), chính quyền địa phương đã huy động gần 100 người dân cùng lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên để sửa chữa, khắc phục lại hệ thống kênh mương, đường giao thông bị phá hủy trong nước lũ.
Chiều 3/12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn đầu, đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai, thăm hỏi gia đình có người mất; trao tiền hỗ trợ của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho gia đình có người mất do mưa lũ, mỗi trường hợp 5 triệu đồng.
Qua kiểm tra, Thứ Trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, lũ năm 2021 đạt đỉnh lũ năm 2013, nguyên nhân chủ yếu là do lượng mưa quá lớn, trong vòng 4 ngày lên đến gần 900mm. Bên cạnh đó, khi triều cường đạt đỉnh, một số hồ có quy trình vận hành chưa tốt, xả nước vào lúc đỉnh lũ lên cao; những nguyên nhân chủ yếu này gây ra trận lũ lớn tại Bình Định.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt lũ này lên và xuống khá nhanh nhưng nhiều tuyến giao thông ở Bình Định ngăn cách thoát lũ; hệ thống sông hồ để thoát lũ trên địa bàn lâu ngày bị xuống cấp, năng lực thoát lũ so với thực tế bị giảm rất nhiều. Do đó, Bình Định cần phải có giải pháp để thoát lũ thật nhanh để đảm bảo đời sống cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, tỉnh Bình Định cần thực hiện quy trình vận hành hồ chứa theo hướng tổng thể; khi đỉnh lũ và triều cường thì không được xả nước, Ngoài ra, cần trồng lại cây xanh, phủ kín thảm thực vật để giữ nước.