Thống kê ban đầu cho thấy, toàn huyện có 120 nhà bị ngập với độ sâu trung bình khoảng 0,5m; lúa hè thu bị ngập úng, trôi giống hơn 2.722 ha. Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm các xã Đức Phú, Nghị Đức, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho, Đức Bình và thị trấn Lạc Tánh.
Mưa lớn cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trong khu dân cư, giao thông nội đồng và các tuyến đê bao. Tại xã Bắc Ruộng xảy ra sạt lở suối tại khu vực thôn 1 với tổng chiều dài khoảng 90m gây nguy hiểm trong khu dân cư. Theo thống kê ban đầu tổng thiệt hại trên 5,4 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra ngập lớn cục bộ, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tánh Linh đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng nạo vét các tuyến kênh và khơi thông rác tấp về tại các vị trí chắn công trình thủy lợi, các cống thoát nước trong khu dân cư nhằm khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh, hạn chế ngập úng.
Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại do mưa lớn gây ra. Các đơn vị tiếp tục theo dõi và tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp sau khi nước rút; thường xuyên cập nhật dự báo về tình hình thời tiết, thủy văn để thông tin kịp thời đến người dân nhằm chủ động thực hiện kế hoạch gieo trồng vụ hè thu 2024. Các đơn vị huy động lực lượng tại chỗ và sức dân tại thôn, xóm nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, khu vực hố ga đảm bảo tiêu thoát nước tránh ngập úng khu dân cư, kê dọn đồ lên cao khu vực gần sông, suối, vùng có nguy cơ lũ quét.
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bình Thuận chỉ đạo xử lý khơi thông, nạo vét các tuyến kênh mương thuộc phạm vi quản lý; triển khai phương án bảo vệ các công trình thủy lợi, điều tiết nước hợp lý để hạn chế ngập úng cục bộ dài ngày. Công ty khẩn trương phối hợp với địa phương khắc phục các đoạn đê bao bị sạt lở, có kế hoạch gia cố thêm rọ đá tại các đoạn đê bao bị sạt lở.