Bọ xít hút máu người ngày càng nhiều

Bọ xít hút máu người đã bước vào mùa sinh sản. 21/29 quận, huyện của Hà Nội đã phát hiện hàng chục ổ bọ xít hút máu người. PGS.TS Trương Xuân Lam (ảnh), Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã trao đổi với báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 

Thưa ông , xin ông xác nhận giúp: Loài bọ xít hút máu (BXHM ) tại Việt Nam có phải là loại bọ xít truyền gây bệnh Chaga’s có khả năng gây tử vong cao không?

 

Từ năm 2010 đến nay, BXHM người xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Riêng tại Hà Nội, BXHM người đã xuất hiện ở 21/29 quận, huyện. Qua hơn 2.500 cá thể BXHM mà chúng tôi đã nghiên cứu đã cho kết quả: Tất cả đều là loài bọ xít Triatoma rubrofasciata có khả năng truyền bệnh Chaga’s (nếu có mầm bệnh). Các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo loại bọ xít này đang âm thầm phát tán (từ khu vực Mỹ Latinh) sang nhiều nước trên thế giới thông qua các phương tiện giao thông đường biển, đường sông và có sự liên quan tới các loài chuột, vật chủ của BXHM.


Tuy vậy, theo tôi người dân không nên quá hoang mang khi đón nhận những thông tin nêu trên. Bởi lẽ, cho đến nay Việt Nam chưa có bất kỳ một thông tin hay nghiên cứu nào khẳng định loài BXHM này truyền bệnh Chaga’s cho con người. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ phối hợp, triển khai các nghiên cứu chuyên sâu về BXHM nhằm sớm đưa ra khuyến cáo về sự an toàn hoặc là những biện pháp ngăn chặn kịp thời, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước những hiểm họa dịch bệnh mà BXHM có thể gây ra.

 

Vậy những triệu chứng của người bệnh bị bọ xít đốt tại Việt Nam có tương đồng với các triệu chứng của người mắc bệnh Chaga’s hay không?


Hiện tại, tôi chưa có câu trả lời cho vấn đề này vì cần phải có bằng chứng khoa học xác thực từ những nghiên cứu cụ thể. Theo các chuyên gia y tế thế giới, triệu chứng ban đầu ở người mắc bệnh Chaga’s khi bị BXHM truyền mầm bệnh là: Mệt mỏi, ngủ vặt, có các vùng bị sưng kéo dài; bệnh có thể âm thầm kéo dài từ 10 - 12 năm rồi mới từ từ gây ra các bệnh về loạn nhịp tim, tắc mạch máu, đặc biệt là suy giảm hệ thống miễn dịch và tử vong.


Còn tại Việt Nam, theo ghi nhận của chúng tôi thì tại các vết mà BXHM đốt (màu đỏ, to hơn vết muỗi đốt) có biểu hiện đau, rát, sưng nhỏ hoặc sưng tấy. Một số người mẫn cảm với vết đốt của côn trùng thì có thể bị sốt (nhất là trẻ em). Trong nhiều trường hợp vết đốt ở chân hoặc tay có thể dẫn tới hiện tượng không cử động được do vết đốt sưng to và phù nề rộng. Sau khoảng 3- 4 ngày hoặc 1 tuần thì khỏi bệnh.


Hiện nay chúng tôi vẫn lưu đầy đủ danh sách người dân đã bị BXHM cắn (khoảng hơn 250 người). Tại hội thảo quốc tế về "Thực trạng và vai trò dịch tễ của BXHM tại Việt Nam" tổ chức 17- 21/6, tại Hà Nội, các chuyên gia quốc tế cũng đã khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện việc lưu giữ và theo dõi sức khỏe của những người đã bị BXHM cắn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, đồng thời đây cũng là những căn cứ quan trọng giúp cho các hoạt động nghiên cứu về BXHM trong tương lai.

 

Người dân cần làm gì để tránh bị bọ xít “tấn công”? Và nếu bị cắn thì cần làm gì, thưa ông?


Giữ gìn môi trường sạch sẽ, vứt bỏ những dụng cụ không cần thiết, thường xuyên làm sạch các khe giường, gầm tủ… là biện pháp phòng ngừa BXHM tốt nhất.


BXHM có vòng đời rất dài (khoảng 1 năm), mùa sinh trưởng từ tháng 5- 8. Điều đó đồng nghĩa với việc hiện nay đang là mùa sinh sản của bọ xít hút máu, vì vậy chúng đang rất cần thức ăn là máu của động vật, trong đó có con người. Trường hợp bị BXHM cắn, nếu là vết nhỏ, hơi sưng thì cần rửa vết thương bằng nước muối, bôi thuốc mỡ chống nhiễm trùng, tuyệt đối không được gãi. Trường hợp vết thương bị phù nề, đặc biệt là kèm theo sốt thì người bệnh nên tới cơ sở y tế khám để được hướng dẫn của bác sĩ. Tốt nhất, người dân nên thu mẫu của bọ xít đó lại và chuyển tới cho chúng tôi, vì đó là bằng chứng tốt nhất để biết bọ xít đã đốt người hay chưa; có trường hợp bọ xít đốt chuột, gà rồi bay vào nhà nhưng khi đập, người dân thấy máu thì tưởng là mình đã bị đốt…


Nếu phát hiện thấy ổ bọ xít, người dân nên sử dụng các biện pháp thủ công để diệt chứ không nên tự ý sử dụng hóa chất. Với những ổ bọ xít lớn, nên lấy mẫu, khoanh vùng ổ BXHM và gọi điện cho chúng tôi (số điện thoại 0915935888) để có những tư vấn kịp thời.


Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, BXHM có tính kháng hóa chất rất cao, rất khó diệt dù đã tăng lượng hóa chất lên gấp 10 lần so với liều thông thường. Chúng tôi thường phải sử dụng nhiều biện pháp để diệt ổ bọ xít (có ổ lên tới 600 - hơn 1.000 con): Phun hóa chất liều cao, đốt toàn bộ khu vực chúng sinh sống… Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ sử dụng với những ổ bọ xít sống xa nhà; nếu phun hóa chất với liều lượng cao trong nhà, nhất là trong phòng ngủ sẽ không những không diệt được BXHM mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

Bọ xít hút máu người ngày càng nhiều
Bọ xít hút máu người ngày càng nhiều

PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã trao đổi với báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN