Hiện nay, một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bạc Liêu đã ban hành mẫu giấy đi đường sử dụng để tham gia giao thông trong thời gian giãn cách, được xuất trình cùng các giấy tờ cá nhân liên quan khi lực lượng chức năng yêu cầu. Mẫu giấy này do UBND xã, phường hoặc đơn vị sử dụng lao động xác nhận. Việc ban hành chuẩn hóa giấy đi đường tạo sự thống nhất về quy định và thể thức văn bản (thay vì mỗi một đơn vị, địa phương, mỗi công ty ban hành mẫu giấy khác nhau), thể hiện thông tin nhất quán, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động, đồng thời cũng thuận lợi cho người đủ điều kiện được lưu thông và dễ dàng cho lực lượng chức năng khi kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, việc chuẩn hóa giấy đi đường là điểm tốt, cần áp dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, trong số 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, đến thời điểm này, rất ít địa phương ban hành được mẫu giấy đi đường chuẩn để sử dụng thống nhất, điều này khiến phát sinh không ít vướng mắc, đặc biệt là với những người làm việc trong các công ty bưu chính. Một số doanh nghiệp cho rằng, các địa phương nên ban hành một mẫu giấy nhất quán để đi đường, đặc biệt, cần làm rõ mẫu nào được dùng trong giờ hành chính, mẫu nào dùng sau 18 giờ, bởi rất nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng quy định người dân không ra đường sau 18 giờ.
Theo phản ánh của một công ty bưu chính, những địa phương đã đưa ra mẫu giấy đi đường chuẩn, doanh nghiệp đều đáp ứng và tuân thủ. Song, với những địa phương chưa ban hành mẫu giấy, mỗi địa phương lại có yêu cầu khác nhau, khiến cho việc xác nhận nhân sự của doanh nghiệp mất nhiều thời gian, phát sinh vướng mắc.
Dẫn chứng từ quy định của Sở Giao thông vận tải Long An tại công văn số 19/SGTVT-VT, doanh nghiệp này cho biết, tỉnh này quy định người sử dụng phương tiện mô tô giao nhận hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngoài đặc điểm nhận diện đội ngũ giao, nhận hàng hóa của đơn vị, phải có giấy xác nhận công tác của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chữ ký xác nhận của 3 bên là người đề nghị xác nhận, đơn vị/doanh nghiệp và của cơ quan quản lý doanh nghiệp hoặc chính quyền cấp xã nơi doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, Long An yêu cầu mỗi người giao, nhận hàng chỉ được hoạt động trên địa bàn một huyện, thị xã, thành phố, trong khi bưu chính là hoạt động thiếu yếu, liên tục, liên tuyến và liên địa bàn. Những quy định này khiến doanh nghiệp rất khó khăn.
Mặt khác, để có thể hoạt động sau 18 giờ, doanh nghiệp phải làm việc với cơ quan chức năng của địa phương để đăng ký giấy xác nhận công tác cho các bưu tá viên. Trong khi yêu cầu của tỉnh chỉ là doanh nghiệp gửi giấy đến cơ quan quản lý nhà nước để xin dấu, thì cơ quan có thẩm quyền xác nhận giấy lại yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp bản sao hợp đồng lao động hoặc giấy tờ chứng minh nhân viên đó là của công ty, thêm thủ tục hành chính.
“Điều này là bất cập. Chúng tôi đã có công văn xác nhận danh danh sách nhân viên, do giám đốc ký tên, đóng dấu là đủ cơ sở pháp lý, khẳng định đây là nhân viên của công ty và công ty chịu trách nhiệm với nội dung khai báo đó, vậy mà vẫn phải cung cấp thêm hợp đồng lao động”, vị đại diện Công ty này cho hay.
Theo vị này, nên để doanh nghiệp cam kết, chủ động ký giấy và chịu trách nhiệm với giấy tờ đó, thay vì bắt buộc phải do cơ quan chức năng ký, thêm một “giấy phép con”, tạo cơ chế xin – cho khi phải đi trình bày với Sở Thông tin và Truyền thông hay UBND quận, phường để giải trình, chứng minh người đó có phải là nhân viên của công ty không. Doanh nghiệp đã có pháp nhân đầy đủ thì được phép ký giấy, không nhất thiết phải đi xin thêm giấy phép con, khi mà Nghị quyết số 78/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 đã nêu rõ, “các địa phương không tự ý đặt ra "giấy phép con" làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng, các địa phương có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với đội ngũ bưu tá, lái xe khi di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại, bởi, giấy đi đường hiện nay mới chỉ xác nhận được cung đường họ đi thực hiện nhiệm vụ giao nhận bưu chính, hàng hóa. Đồng thời, có hướng dẫn/xác nhận thông tin về việc công ty thuộc nhóm bưu chính thiết yếu, không thuộc đối tượng thực hiện “03 tại chỗ” cũng như “01 cung đường 02 điểm đến”, do bưu tá viên, lái xe luôn hoạt động trên đường thực hiện công việc giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, không thực hiện hoạt động sản xuất, 90% nhân viên văn phòng đã làm việc tại nhà, trừ một số vị trí trọng yếu cần phải điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu thiết yếu tại văn phòng.
Mới đây, chiều 2/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn số 2360/UBND-KT về hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính trong thời gian tăng cường các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Theo đó, thành phố cho phép bưu tá viên của các doanh nghiệp bưu chính hoạt động theo mô hình truyền thống (trực tiếp quản lý đội ngũ bưu tá viên, nhận hàng từ địa chỉ người gửi - vận chuyển về bưu cục hoặc điểm khai thác để chia, chọn - phát đến địa chỉ cho người nhận, được phép hoạt động, di chuyển giữa các địa phương của thành phố), đặc biệt đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật), dịch vụ hành chính công.
Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển bưu chính được phép hoạt động và di chuyển trên đường từ 18 giờ đến 06 giờ hàng ngày. Doanh nghiệp bưu chính chỉ được thực hiện dịch vụ vận chuyển bưu chính theo quy định, không được cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa kể cả bằng xe mô tô 02 bánh (dịch vụ shipper) trong khung thời gian nêu trên.
Các quy định tại công văn này đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp bưu chính, đảm bảo nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1, hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất đến người dân, doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu.