Cần có chính sách đặc thù cho già làng Tây Nguyên

Cần có chính sách riêng và chế độ đặc thù để phát huy vai trò của già làng các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên là đề xuất được Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu lên tại buổi tọa đàm khoa học về vai trò của già làng, phụ nữ và trí thức các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, trong bối cảnh phát triển bền vững kinh tế - xã hội hiện nay, diễn ra ngày 15/4 tại thành phố Đà Lạt.

Báo cáo của Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên về “Vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên” nhấn mạnh: Nhận thức vai trò của già làng trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã chủ trương phát huy vai trò của già làng, thể hiện ở việc ban hành và thực hiện một số chính sách liên quan đến già làng.

Tuy nhiên, các chính sách này dù là bước tiến đáng kể thể hiện sự quan tâm đối với già làng, nhưng chủ yếu vẫn dừng lại ở việc tôn vinh người có uy tín nói chung, mà chưa quan tâm thỏa đáng vai trò, vị trí, chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với các già làng, chưa đủ để cải thiện và phát huy vai trò của già làng.

Gìa làng Y Kông giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: Đoàn Hữu Trung – TTXVN


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Đạo – Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cần có chính sách riêng và thỏa đáng cho già làng Tây Nguyên để có thể phát huy hết vai trò của già làng trong phát triển bền vững. Theo đó, cần coi già làng là nhóm người có uy tín đặc biệt, có những vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý xã hội riêng và lớn hơn so với người có uy tín; tách già làng thành đối tượng riêng để có chế độ đãi ngộ riêng; đồng thời xuất phát từ vai trò đặc biệt của già làng, từ nguyện vọng của người dân và các già làng, cần có chế độ đặc thù cho già làng Tây Nguyên, giải quyết để già làng hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.

Từ thực tiễn tại Lâm Đồng, ông Bon Yô Soan – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, các già làng đã góp phần to lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa; xóa bỏ các tập tục lạc hậu; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ chính sách đối với già làng, người có uy tín của các cấp, các ngành liên quan đôi khi còn thiếu thống nhất, chưa chặt chẽ và chồng chéo; quyền lợi của già làng, người có uy tín chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2013, tỉnh Gia Lai có 779 già làng là người có uy tín trên tổng số 1.261 người có uy tín toàn tỉnh; tương tự tại Đắk Lắk là 394/994, Lâm Đồng là 267/451 và Đắk Nông có 154/289.


Hoàng Liên Sơn

Biểu dương 170 già làng tiêu biểu

Ngày 18/11, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị biểu dương 170 già làng, những người có đóng góp lớn trong việc vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội miền núi ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN