Ảnh minh họa: Thế Duyệt – TTXVN |
Sau hơn một năm thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/12/2014 về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, nhiều giải pháp mạnh đã được thực thi. Đường dây nóng gồm 3 số điện thoại thường trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin về người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố đã mang lại hiệu quả, hạn chế được số lượng lớn người ăn xin, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố.
Nhưng thời gian gần đây, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, người xin ăn đã xuất hiện trở lại tại thành phố với nhiều hình thức trá hình. Nếu như trước đây, người xin ăn chọn khu vực trung tâm thành phố để hoạt động thì nay họ có mặt ở khắp các quận, huyện với số lượng càng ngày càng lớn.
Đủ kiểu cách xin ăn
Theo ghi nhận của phóng viên, tại ngã tư đường Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ, mỗi lần đèn giao thông chuyển tín hiệu màu đỏ với thời gian chờ lên tới trên 100 giây, lập tức có hai cụ già đi dọc theo đám đông, tay cầm tập vé số mời khách mua. Nhiều người đi đường mua đã không lấy lại tiền thừa. Hay tại nhiều tuyến đường lớn như đường 3/2 (quận 10), Hồng Bàng (quận 11), An Dương Vương (quận 5), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chùa Phước Hải (quận 1)…, người ta cũng bắt gặp những hình ảnh bà mẹ bế đứa con nhỏ ngủ li bì ngồi giữa trời nắng chang chang, bên cạnh là tập vé số và chiếc nón đặt ngửa, những ông cụ lẽo đẽo theo chân khách viếng cảnh chùa nài nỉ mua tăm bông, những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc thản nhiên chìa tay xin tiền người đi đường…
Thậm chí trong đêm Giao thừa Tết Bính Thân, có đến hơn chục trẻ em gái có trai có len lỏi, trà trộn vào đám đông người dân đến chùa Diệu Giác (quận 2) để xin lộc đầu năm mới. Hầu hết những người đi lễ chùa hôm đó đều hào phóng cho chúng tiền.
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện số lượng người xin ăn ngày càng tăng, sử dụng nhiều mánh khóe trá hình để qua mặt lực lượng chức năng. Các đối tượng này tạo ra những vết thương giả, bồng bế trẻ em bán vé số, tăm bông, thậm chí lợi dụng cả người già, trẻ em để xin tiền người đi đường, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
“Cũng có người vì quá nghèo đói, hoàn cảnh thương tâm thật sự, nhưng cũng không ít người ngại lao động, đi xin tiền lại có thu nhập, lâu dần thành quen. Một vấn đề nữa là người dân thành phố có lòng trắc ẩn, hay làm từ thiện cũng khiến người ta lợi dụng”, ông Giang nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết phần lớn các đối tượng xin ăn khi đưa vào trung tâm đều không thừa nhận hành vi mà chỉ nhận mình đi bán vé số, người ta thấy thương tự cho tiền. Điều đáng nói là nhiều người trong số họ là thanh niên có sức khỏe.
Cần những giải pháp đồng bộ
Vài năm trở lại đây, công tác quản lý và thu gom người ăn xin đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện nhiều lần, nhiều đợt. Gần đây nhất là vào cuối năm 2014, thành phố đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sau hơn một năm thực hiện, Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 1.900 đối tượng, chuyển đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận là khoảng 1.300 trường hợp, giải quyết hồi gia cho gần 800 trường hợp.
Cũng trong hơn 1 năm qua, hoạt động của đường dây nóng gồm 3 số điện thoại của cơ quan chức năng ngành lao động, thương binh và xã hội thành phố đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc quản lý, thu gom các đối tượng lang thang, xin ăn. Nhiều thông tin người dân cung cấp được cấp thành phố chuyển tới chính quyền địa phương nơi phát hiện người lang thang để xử lý kịp thời.
Với các đối tượng xác định được nơi cư trú sẽ giải quyết hồi gia, số người xin ăn không có nơi cư trú nhất định sẽ được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tại đây, họ được học nghề theo nguyện vọng, sau đó được tạo việc làm phổ thông như: chăm sóc cây cảnh, thợ xây, may…
Theo ông Lê Chu Giang, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu gom các đối tượng này như khi nhận được thông tin qua đường dây nóng, lực lượng chức năng tới nơi thì đối tượng đã bỏ đi, hoặc thấy bóng dáng của lực lượng quản lý là bỏ chạy.
“Để giải quyết tận gốc vấn đề cần phải có những giải pháp đồng bộ để nâng cao điều kiện kinh tế xã hội. Chính sách an sinh xã hội tốt, được tạo việc làm sẽ giúp người xin ăn dần nhận ra ý nghĩa đẹp của những đồng tiền có từ lao động. Và quan trọng hơn cả là sự phối hợp, ủng hộ của người dân trong giải quyết vấn đề này bằng cách không cho tiền người xin ăn nữa”, ông Giang nói.
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng các sở, ngành tham mưu đưa ra các giải pháp xử lý các đối tượng có hành vi ăn xin tái đi tái lại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố. Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đẩy mạnh việc dẹp nạn ăn xin; các quận, huyện đã xây dựng giải pháp tập trung đối tượng thường xuyên, tập trung làm mạnh tại những điểm người xin ăn hay hoạt động. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền tại các khu phố để người dân hiểu rõ, ủng hộ chủ trương của thành phố, không cho tiền người ăn xin mà chọn hình thức hỗ trợ, từ thiện qua các kênh khác.
Vẫn biết việc giải quyết nạn ăn xin tại một thành phố lớn tập trung một lượng không nhỏ người nhập cư như Thành phố Hồ Chí Minh không phải việc dễ dàng. Tuy vậy, khi những biện pháp trên được thực hiện một cách quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và sự ủng hộ của người dân, chắc chắn vấn nạn này sẽ được kiểm soát và hạn chế đáng kể.