PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (ảnh), Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức trao đổi với Báo Tin tức xung quanh việc tìm giải pháp để sớm có thêm nhiều nguồn tạng từ người cho chết não.
Xin bác sỹ cho biết, đến nay tại BV Việt Đức đã có bao nhiêu bệnh nhân được ghép tạng thành công từ người cho chết não?Năm 2010, BV Việt Đức là nơi đầu tiên đã ghép tạng từ người cho chết não. Đến nay, số bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não gồm: 12 ca thận, 2 ca tim và 3 ca ghép gan.
Hiện nay, nhu cầu ghép tạng tại BV ngày một tăng. Các chuyên gia của BV Việt Đức luôn sẵn sàng để thực hiện các ca ghép tạng cho bệnh nhân nhưng chúng tôi lại rất thiếu nguồn tạng từ người cho chết não.
Do đó, chúng tôi rất mong mỏi vào hiệu quả của công tác tuyên truyền. Khi người dân hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn cao cả của nghĩa cử hiến tạng cứu người, tôi tin sẽ có thêm nhiều người chia sẻ với nỗi đau, niềm hy vọng được sống của những bệnh nhân đang cần được ghép tạng. Hơn nữa, nếu được ghép tạng trong nước, thì người bệnh và gia đình của họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều, chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 số tiền so với đi ghép ở nước ngoài.
Nhiều người lo lắng về khả năng nảy sinh tiêu cực trong quá trình chẩn đoán bệnh nhân đã chết não. Điều này có thể xảy ra không, thưa ông? Tôi khẳng định là không thể có tiêu cực trong việc chẩn đoán về người bệnh đã chết não. Cũng không thể có sai sót trong chẩn đoán.
Người chết não tức là toàn bộ não bộ bị tổn thương, chức năng của não đã ngừng hoạt động và không thể sống lại được. Tạng để ghép cho người sống thường chỉ được lấy ở những người cho chết não sau khi bị tai nạn giao thông, hoặc bị tai biến; chứ còn người chết bình thường không lấy được tạng để ghép.
Muốn chẩn đoán là chết não thì phải có đủ 8 dấu hiệu lâm sàng chết não, 4 thăm dò cận lâm sàng chết não. Những chẩn đoán này được thực hiện thông qua một Hội đồng chuyên môn độc lập gồm 5 đến 7 giáo sư, các bác sĩ của các chuyên ngành về thần kinh, hồi sức, ngoại khoa, nội khoa, giải phẫu bệnh lý... Sau đó giám đốc BV sẽ xem xét và đưa ra kết luận cuối cùng. Đặc biệt, tối thiểu sau khi chết não từ 12 - 18 giờ thì mới bắt đầu được phép chẩn đoán, và sau 18 giờ (tức là người bệnh tử vong hẳn) thì mới được phép lấy tạng, nếu có sự đồng ý của toàn bộ gia đình người chết não.
Theo ông, chúng ta cần làm gì để sớm có thêm nhiều nguồn tạng từ người cho chết não?
Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Y tế về việc cấp thẻ cho những người tình nguyện hiến tạng từ khi còn sống và là công dân từ 18 tuổi trở lên. Nghĩa là, sau này chẳng may người đó bị chết não thì việc hiến tạng và lấy tạng sẽ thuận lợi hơn. Hiện nay, muốn lấy được tạng của người cho chết não thì phải có sự đồng ý của cả đại gia đình, chỉ cần một người không đồng ý là không thể lấy được tạng.
Nhưng theo tôi, bên cạnh việc tôn vinh về tinh thần, cấp giấy chứng nhận thì Nhà nước cũng cần có chính sách, hỗ trợ thêm về vật chất cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tại BV Việt Đức, cùng với việc lo liệu tang ma cho người chết não, chúng tôi còn cấp thẻ bảo hiểm y tế, đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho thân nhân người đã khuất. Thậm chí, chúng tôi còn chủ động đề xuất việc nhận con, em họ vào làm tại BV nếu theo học ngành y. Vì không có những quy định về tạo nguồn kinh phí để trang trải cho những hoạt động trên nên chúng tôi lấy từ nguồn quỹ của các hội từ thiện.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)