Hiến tạng cứu người: Cần sự chia sẻ của cộng đồng

Trên thế giới có hơn 90% số ca ghép tạng được lấy từ người cho chết não. Nhưng tại Việt Nam, nguồn tạng lấy được từ người cho chết não chỉ chiếm gần 10%, hơn 90% còn lại là từ người sống. Thực tế này cho thấy, người dân hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn cao cả của nghĩa cử hiến tạng cứu người thì mới có nhiều hơn những người bệnh hiểm nghèo được cứu sống.

Mỏi mòn chờ ghép tạng

Vì đã chờ đợi quá lâu nhưng vẫn không có nguồn tạng để ghép từ người cho chết não, nhiều bệnh nhân cần ghép tạng đã vĩnh viễn ra đi.

Hầu như tháng nào ở khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện (BV) Việt Đức cũng có bệnh nhân xin về quê để chờ chết vì không thể đợi được đến ngày ghép tim. Các bác sỹ ở đây cho biết danh sách bệnh nhân bị các bệnh giãn cơ tim, suy tim cần được ghép tim rất dài nhưng danh sách người hiến tạng thì quá ít ỏi.

Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BV Việt Đức tâm sự: “Hôm qua, tôi vừa nhận được tin một em sinh viên năm thứ 4 bị suy tim độ 4 đã qua đời. Nếu có nguồn tạng để ghép tim, cuộc sống của em đã không ngắn ngủi đến vậy!”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết kiểm tra tình trạng bệnh nhân vừa được ghép tim thành công ngày 15/4/2011. Ảnh: Dương ngọc - TTXVN


Nói rồi, anh Vinh mở máy tính, cho tôi xem bức hình một chàng trai trông khôi ngô, thông minh. Giọng đầy tiếc nuối, anh Vinh kể lại: “Sáng qua, tôi gọi điện hỏi thăm, gia đình bệnh nhân vẫn thông báo là em đang đi học. Thế nhưng, đến chiều thì nhận được thông báo là em ấy đã đột ngột ra đi ngay khi ngồi trên giảng đường. Trước đó, nếu được ghép tim từ một người chết não thì bệnh nhân đã không phải ra đi khi tuổi đời mới ngoài 20 như thế…”.

“Bên ngoài, trông những bệnh nhân này rất bình thường nhưng nếu không được ghép tim thì họ có thể gục xuống bất cứ lúc nào. Và chàng sinh viên này chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã ra đi như thế vì không được ghép tạng kịp thời…”, anh Vinh cho biết thêm.

Tại khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, điều dưỡng Vinh giới thiệu với chúng tôi bệnh nhân Lê Quốc V., bị suy tim độ 4 (như bệnh nhân vừa mất) nên cũng rất cần được ghép tim sớm.

Trong bộ quần áo bệnh nhân, giọng T. thoáng buồn kể lại: “Em cũng mới biết mình bị suy tim độ 4 được khoảng 5 tháng nay. Hôm ấy, đang đi làm thì em bỗng thấy mệt mỏi, ho ra máu. Khi vào viện mới biết mình cần ghép tim thì mới có thể sống được”.

V. tâm sự: “Trong hoàn cảnh hiện nay, em chỉ còn biết hy vọng rồi sẽ có gia đình nào đó đồng ý cho em trái tim của người thân bị chết não”. Điều dưỡng Vinh giải thích: “Khi có chỉ định phải thay tim thì bệnh nhân nào cũng hy vọng lắm. Họ hồi hộp chờ đợi, hy vọng từng ngày, từng giờ. Không ít bệnh nhân từ chỗ hy vọng đã chuyển sang thất vọng vì chờ mãi mà vẫn không có tạng để ghép. Có người bệnh đã chán nản, sa đà vào rượu chè và tử vong ngay trên bàn nhậu. Bởi vậy, chúng tôi thường phải chia sẻ, khuyên bệnh nhân sống điều độ, cố gắng giữ tâm lý vững vàng trước khi có một phép màu xảy ra”.

Thiếu tạng vì tâm lý chết toàn thây

“Vì sao lại ví việc có nguồn tạng từ người cho chết não như một phép màu ư?”, BS Hà Phan Hải An, BV Việt Đức giải thích: Quan niệm “chết toàn thây” đã ăn sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam. Bởi vậy, dù người thân trong gia đình đã được thông báo là chết não, nhưng nhiều gia đình vẫn kiên quyết không đồng ý cho tạng.

“Đã từng có trường hợp, người em trai bị tai nạn giao thông chết não. Người vợ và con của người chết đã đồng ý cho tạng chồng mình cho người anh trai đang bị suy thận nặng, rất cần được ghép thận. Ấy thế nhưng, trong gia đình có người phản đối, không đồng ý lấy thận của em ghép cho anh, nên ca ghép đã không thể thực hiện được. Vậy là cho đến nay, người anh trai đó vẫn phải chạy thận hàng tuần, sức khỏe thì ngày một yếu mà cuộc sống thì vô cùng khốn khó”, BS Hải An tiếc nuối kể lại.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Phụ trách khoa Phẫu thuật Tim mạch- Lồng ngực, BV Việt Đức chia sẻ, không ít lần ông và đồng nghiệp rơi vào trạng thái hụt hẫng, mệt mỏi vì mất rất nhiều công sức để thuyết phục nhưng đến phút chót gia đình bệnh nhân chết não đổi ý, kiên quyết không cho tạng nữa chỉ vì cái quan niệm sợ người đã chết không toàn thây.

Một lần, có một gia đình bệnh nhân nọ đồng ý cho tạng, BS Ước đã rất vui mừng. Hai ngày trước khi diễn ra ca ghép, BS Ước đã ở lại BV để cùng đồng nghiệp chuẩn bị chu toàn cho ca ghép tim này. Nào ngờ đến phút chót, gia đình bệnh nhân đó lại quyết định không cho tạng nữa…

“Lúc đó, toàn thân tôi chùng xuống, buồn, thất vọng và mệt mỏi rã rời sau những gắng sức lớn nhưng không có kết quả. Tôi phải xin nghỉ vài ngày để tìm lại trạng thái cân bằng, tránh stress. Buồn nhất là người bệnh tưởng được ghép tạng đó cũng vô cùng suy sụp và anh ấy đã “ra đi” sau đó không lâu sau một cơn đau tim”, BS Ước buồn bã nói.

Một đại diện của BV Việt Đức cho hay: “Tại BV luôn có khoảng 200 - 300 bệnh nhân lọc máu thường quy có nhu cầu ghép thận và hơn 200 bệnh nhân chờ ghép gan, ghép tim. Và nếu thống kê trên cả nước thì Việt Nam có hàng chục nghìn người suy thận và rất nhiều người bệnh cần mô, tạng để được cứu sống. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 1.000 người được ghép mô và tạng. Điều đó có nghĩa là chỉ có số ít bệnh nhân có cơ hội được cứu sống và thoát khỏi cuộc sống bệnh tật”.

Trong khi đó, mỗi năm, chỉ tính riêng ở BV Việt Đức đã có khoảng 1.200 - 1.300 người chết não không thể phục hồi sự sống do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Nếu thân nhân những người bệnh này vượt qua được quan niệm chết phải toàn thây và tình nguyện hiến tạng thì đây sẽ là nguồn tạng mang lại cuộc sống quý giá cho những người bệnh đang thoi thóp chờ từng ngày được ghép tạng.

Phương Liên
'Cần hỗ trợ thêm về vật chất cho gia đình người hiến tạng'
'Cần hỗ trợ thêm về vật chất cho gia đình người hiến tạng'

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trao đổi với Báo Tin tức xung quanh việc tìm giải pháp để sớm có thêm nhiều nguồn tạng từ người cho chết não.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN