Cần lộ trình, chính sách ‘mở’ khi tăng tuổi hưu cho người lao động

Việc tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ cần có lộ trình cụ thể, linh hoạt từng ngành nghề và theo hướng "mở" để khi ban hành luật không gây tâm lý lo lắng cho người lao động có công việc đặc thù, độc hại.

Đây là ý kiến được các đại biểu, doanh nghiệp nêu ra khi Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Môi trường Việt Nam thực hiện khảo sát tăng tuổi hưu trong các doanh nghiệp có nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Chú thích ảnh
Lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại mong muốn việc điều chỉnh tuổi hưu tăng theo hướng "mở".

Bà Hoàng Thị Thu Hường, Viện phó Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho rằng, một trong những vấn đề lớn của sửa đổi Luật Lao động hiện nay là tăng tuổi nghỉ hưu ở cả nam và nữ. Khi đi khảo sát, đơn vị nhận được nhiều ý kiến trái chiều, vừa đồng thuận vừa phản đối. Cụ thể, có ý kiến cho rằng Việt Nam có 52 triệu nữ giới, 47% trong số đó đang trong độ tuổi lao động, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ là may mặc, dịch vụ, giày da… Ngành sử dụng nhiều lao động nam nhiều như: công nghiệp nặng, chế tạo, cơ khí… Do đó, việc tăng độ tuổi về hưu của người lao động cần tính đến đặc thù nghề nghiệp của người lao động để không mang tính ép buộc hay cào bằng một quy định cho nhiều đối tượng lao động khác nhau.

Là một doanh nghiệp đang sử dụng hơn 3.000 lao động, ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, cho biết do đặc thù ngành công nghiệp nặng nên lao động nữ chỉ chiếm khoảng 13-15% trên tổng số lao động. Lao động tại doanh nghiệp rất trẻ, chỉ khoảng 30-35 tuổi, chưa có lao động đến tuổi nghỉ hưu. Để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, doanh nghiệp đã bố trí nhà lưu trú cho công nhân ở ngoại tỉnh, cho xe đưa đón công nhân về quê đón Tết...

"Doanh nghiệp đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, song việc tăng phải có lộ trình để người lao động không bất ngờ. Bởi, nhiều người lao động còn rất trẻ vẫn muốn cống hiến cho doanh nghiệp, muốn tăng thu nhập nhưng lại phải nghỉ hưu sớm cũng là một sự lãng phí lớn. Mặt khác, khi đưa vào Luật, mức tăng tuổi hưu cũng cần có hướng "mở", có sự lựa chọn tuổi nghỉ hưu đối với lao động ở các ngành nghề đặc biệt, độc hại hay những ngành nghề hàn lâm, nghiên cứu khoa học...", ông Hùng cho biết.

Chú thích ảnh
Nhiều lao động nữ vẫn muốn được cống hiến và tăng thu nhập khi còn có sức khỏe.

Theo luật sư Nguyễn Giang Nam, Văn phòng Luật Smart Law - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, tuổi nghỉ hưu là một chủ đề nhiều người quan tâm, vì nó liên quan đến hầu hết mọi người, mọi nhà, mọi ngành. Chính vì mức ảnh hưởng rộng khắp của tuổi nghỉ hưu nên có rất nhiều ý kiến khác nhau và câu hỏi đặt ra: Nghỉ hưu vào độ tuổi nào là hợp lý, dựa vào đâu để xác định tuổi nghỉ hưu cho phù hợp… Hiện nay, nghỉ hưu của người lao động ở Việt Nam được quy định tại điều 187 Bộ Luật Lao động 2012, Luật BHXH 2014. Ngoài ra, Chính phủ còn quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn nhưng không quá 5 tuổi, tuổi nghỉ hưu thấp hơn từ 1 đến 5 tuổi đối với một số nhóm đối tượng. Trong điều kiện làm việc bình thường, tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu thấp hơn rất nhiều.

"Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam là 55,6 tuổi (thấp hơn gần 4,4 tuổi) và nữ là 52,5 tuổi (thấp hơn 2,44 tuổi); thời gian đóng BHXH bình quân của nam là 28 năm, của nữ là 23 năm; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỉ lệ cao trên 50%… Vì vậy, việc điều chỉnh tuổi hưu đang được xem là giải pháp tất yếu nhằm đối phó với tốc độ già hoá dân số, bình đẳng giới, nhu cầu thị trường cũng như việc cân đối dài hạn của quỹ Bảo hiểm xã hội", ông Nam cho biết.

Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2019. Trong đó, nội dung tuổi nghỉ hưu đang được quan tâm nhiều nhất bởi tác động tới hàng chục triệu người lao động.
Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự kiến xây dựng đề xuất lộ trình điều chỉnh tuổi hưu theo hướng tăng. Cụ thể, từ năm 2021, quy định tuổi nghỉ hưu của lao động sẽ bắt đầu tăng theo lộ trình mỗi năm thêm 3 tháng. Việc tăng này nhằm đảm bảo nâng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 (hiện nay) lên 62 và nữ từ 55 (hiện nay) lên 60.
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các đơn vị đang thực hiện khảo sát tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp để xem việc điều chỉnh tuổi hưu như nào sẽ hợp lý và không mang tính “cào bằng”. Nghĩa là không phải tất cả lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực cùng phải nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 tuổi với nam giới.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chuyên gia lao động ILO: Ủng hộ việc tăng tuổi hưu từ từ
Chuyên gia lao động ILO: Ủng hộ việc tăng tuổi hưu từ từ

Đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ từ 60 và 55 lên tương ứng 62 và 60 đang gây chú ý của dư luận. Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO) đã trả lời báo chí Việt Nam liên quan về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN