Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức, giải pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 25/11.
Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất trong phòng, chống thuốc lá là chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá còn thấp. Mỗi năm, tiền thuế thu được từ tiêu thụ thuốc lá khoảng 17.000 tỷ đồng nhưng chi phí điều trị 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP (khoảng 30.000 tỷ đồng).
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Việc sử dụng thuốc lá còn gây ra gánh nặng về kinh tế, số tiền mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ đồng mỗi năm, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra khoảng 1% GDP.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, thuế, giá thuốc lá tại Việt Nam còn rất thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở nước ta là 75% giá xuất xưởng nhưng nếu tính trên giá bán lẻ thì chỉ khoảng 39%. Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá cần ở mức 60-80% giá bán lẻ.
Thực tế hiện nay, ngoài thuốc lá truyền thống thông thường, thị trường còn xuất hiện nhiều loại thuốc lá mới và giới trẻ sử dụng ngày càng nhiều. Nói về các sản phẩm thuốc lá mới, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều người đưa thông tin cho rằng thuốc lá điện tử giảm hại 95% so với thuốc lá thông thường nhưng thực tế chưa có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh điều này. Thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, thậm chí có những điểm nguy hiểm hơn do nó gây ra tác hại cấp tính. Thời gian qua đã có những trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử phải nhập viện cấp cứu do hội chứng tổn thương phổi cấp. Mặt khác, người sử dụng thuốc lá điện tử còn tăng nguy cơ sử dụng ma túy; tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống dẫn tới sử dụng đồng thời 2 loại này. Vì những tác hại đó, hiện đã có 32 quốc gia trên thế giới cấm thuốc lá điện tử, 11 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng.
Các chuyên gia cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm này được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Người dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới thông qua internet.
Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, các loại thuốc lá mới là những sản phẩm không an toàn, thậm chí rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh, thiếu niên. WHO khuyến nghị các quốc gia nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh, thiếu niên sử dụng sản phẩm thuốc lá mới. Tiến sĩ Angela Pratt cũng cho rằng, một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá nói chung là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.
Từ thực tế trên, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình tăng thuế đối với sản phẩm thuốc lá nhằm điều tiết giảm tiêu dùng thuốc lá; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả để tiến tới áp dụng phương án tính thuế sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ. Cùng với đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng và ban hành quy định mới về in, hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá nhằm tăng mức cảnh báo với người tiêu dùng; hoàn thiện quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức. Đặc biệt, ngành chức năng nghiên cứu ban hành chính sách quy định về sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sản phẩm thuốc lá mới khác nhằm phù hợp yêu cầu thực tiễn hiện nay.