Theo ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, hầu hết các vụ cháy do chập điện đều xuất phát từ sự chủ quan của các hộ dân sử dụng điện khi tự ý đấu nối, sử dụng dây kém chất lượng, không tắt nguồn điện trước khi ra khỏi nhà…
Đồng thời, mùa nắng nóng, người dân thường xuyên sử dụng các thiết bị làm mát dẫn đến quá tải nguồn điện, dễ gây chập điện. Các hộ dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thường sống trong nhà sàn gỗ, cộng với khí hậu, thời tiết nắng nóng mùa khô Tây Nguyên khiến các vật dụng sinh hoạt dễ bắt lửa là nguyên nhân chính khiến hỏa hoạn xảy ra.
Để nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số về đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong mùa khô, Công ty Điện lực Gia Lai khuyến cáo người dân.
Cụ thể, sử dụng cầu chì, công tơ, thiết bị điện phù hợp với công suất điện trong nhà; đảm bảo dây điện đảm bảo chất lượng để tải đủ dòng tải điện; thường xuyên kiểm tra các mối nối xem có chạm không để kịp thời thay thế, xử lý.
Ngoài ra, với các hộ sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, quạt khi dùng xong phải tắt nguồn điện ngay. Nếu có điều kiện, các thiết bị điện cần có hệ thống tiếp đất.
Ngoài ra, phía Công ty Điện lực Gia Lai cũng thường xuyên kiểm tra, đình chỉ những lưới điện người dân tự kéo không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, nhà dân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trước đó, ngày 15/3, sự cố chập điện gây cháy nhà, nổ bình ga đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà sàn rộng trên 40 m2 và 1 chiếc xe máy của gia đình anh Rơ Ô Đông, buôn Chik, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa (Gia Lai). Tổng thiệt hại của gia đình anh Đông sau vụ hỏa hoạn là hơn 250 triệu đồng.
Vụ hỏa hoạn thứ hai xảy ra vào tối 19/3, khiến nhà ông Nay Tôn, buôn Kting, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa cháy hoàn toàn. Vụ cháy xảy ra khi chỉ có người con gái học lớp 7 của ông Nay Tôn ở nhà, hai vợ chồng ông ngủ ở rẫy. Chập điện, cháu bé chạy thoát được ra ngoài kêu cứu nhưng khi người dân đến thì ngôi nhà sàn đã bắt lửa và cháy trụi. Thiệt hại gia đình ông Nay Tôn sau vụ hỏa hoạn là 150 triệu đồng.
Rất may, hai vụ hỏa hoạn trên không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, đây cũng là bài học cho mọi người trong việc sử dụng nguồn điện an toàn trong mùa khô trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Hiện hai gia đình này đã được các cấp chính quyền hỗ trợ dựng nhà tạm để ở, hỗ trợ gạo ăn, quần áo mặc để ổn định lại cuộc sống. Nguyên nhân chính được xác định của hai vụ hỏa hoạn này là do thời tiết nắng nóng tại huyện Krông Pa trong mùa khô rất khắc nghiệt, các thiết bị điện trong nhà người dân đấu nối không đúng kỹ thuật nên đã xảy ra chập điện dẫn đến cháy nhà.