Tháng 3/2011 tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn “ (CĐML), trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chưa bao giờ người nông dân mong mỏi được góp đất với những hộ kế bên hình thành những cánh đồng lớn hàng ngàn ha, từng bước tiến lên sản xuất lớn, lại được quan tâm như giai đoạn hiện nay.
Nhu cầu liên kết
“Muốn thành công, phát triển nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả cao chúng ta phải nhanh chóng loại bỏ tư tưởng làm ăn manh mún, không theo quy hoạch, dự báo... Việc tích tụ ruộng đất theo hướng linh hoạt, phát triển diện tích CĐML đang giải quyết phần nào bài toán trên trong việc tạo cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng hàng hóa xuất khẩu lớn, đảm bảo chất lượng và sự cạnh tranh trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đã nhận xét như thế tại hội nghị về nông nghiệp được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Bổng, để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nông dân sản xuất lúa trên một cánh đồng cần liên kết lại, cùng sử dụng một giống lúa và cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất, góp phần quản lý tốt dịch hại, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.
Cánh đồng mẫu lớn ở hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). |
Khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện diện tích đất canh tác lúa của từng hộ ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, bình quân chỉ đạt khoảng hơn 1 ha/hộ và rất hiếm trường hợp hộ có diện tích vào khoảng hơn 10 ha trở lên. Muốn sản xuất lúa theo hướng hiện đại, trong đó việc tiêu thụ đòi hỏi phải có lúa chất lượng cao hơn, phải có những cánh đồng lớn, những vùng nguyên liệu đủ sức cung ứng cho chế biến, xuất khẩu. “Khi nông dân, doanh nghiệp liên kết lại tạo ra những CĐML, các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích cao hơn. Nhà nông hưởng lợi từ những dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, gia tăng giá trị, doanh nghiệp yên tâm về chất lượng đầu ra, ổn định vùng nguyên liệu”, ông Nguyễn Thành Hưởng – GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, nhận định.
Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu của việc liên kết xây dựng CĐML là nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích rộng lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ dân, các thửa ruộng... . Đây sẽ là nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu. Mô hình CĐML và hướng phát triển cao hơn là xây dựng được vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết 4 nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, từng bước điều tiết và đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho người dân. Thực tế, để tiếp tục duy trì vị trí của một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, Việt Nam phải nhanh chóng chuyển sang nền sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn và vì thế, việc liên kết hình thành những vùng canh tác lúa quy mô lớn được xem là vấn đề cấp bách và cần thiết.
1 triệu ha lúa xuất khẩu
Tính toán của Bộ NN & PTNT, dự kiến đến năm 2013, các tỉnh ĐBSCL sẽ nâng diện tích lúa được sản xuất theo mô hình CĐML lên hơn 200.000 ha để phục vụ xuất khẩu. Dự kiến, trong vụ đông xuân 2011 - 2012, diện tích CĐML sẽ nâng lên 20.000 ha và cuối năm 2012 sẽ là từ 40.000 - 80.000 ha. Điều này sẽ giúp cho ngành nông nghiệp quy hoạch được vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững, giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao. Trên cơ sở đó, mở rộng “liên kết 4 nhà” theo hướng “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”. “Trong bối cảnh đó việc phát triền mô hình CĐML tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu 1 triệu ha trong tương lai là điều có thể thực hiện được”, ông Đỗ Vũ Hùng – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, nhận định.
Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, sức lan tỏa của CĐML là rất lớn khi hiện nay tất cả các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đăng ký thực hiện ngay từ vụ đông xuân này với diện tích lên tới gần 18.000 ha, tăng hơn 2 lần so với vụ hè thu; trong đó tỉnh An Giang chiếm hơn 5.000 ha, kế đến là Long An, Đồng Tháp... Theo định hướng của Bộ NN & PTNT, việc xây dựng thành công mô hình CĐML là việc làm đầu tiên, việc quan trọng hơn là công tác quy hoạch CĐML tiến tới phát triển cho được vùng nguyên liệu dành cho xuất khẩu. Theo đó, dựa trên quy mô và liên kết mô hình CĐML, vùng nguyên liệu sẽ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, các tiện ích phục vụ sản xuất và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa.
“Mỗi tỉnh sẽ chọn 2 - 3 vùng nguyên liệu tập trung và phát triển tăng dần theo nhu cầu thực tế. Vùng nguyên liệu có diện tích từ 5.000 – 30.000 ha và tuỳ theo tình hình thực tế của việc ký kết, thu mua của doanh nghiệp mà nhà nông có kế hoạch sản xuất theo đơn đặt hàng. Tại các vùng nguyên liệu này, những yêu cầu về thủy lợi, cơ giới hóa các khâu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp đầu tư và thu mua... sẽ được các ngành chức năng kết hợp cùng doanh nghiệp, nhà nông giải quyết thấu đáo”, ông Nguyễn Thành Hưởng cho biết.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Bài cuối: Để không chỉ mang tính phong trào