Khi giới chủ và công nhân cùng đồng lòng
Công ty TNHH Changshin Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, được thành lập năm 1995, trụ sở tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là doanh nghiệp có số công nhân lao động lớn nhất tỉnh Đồng Nai, với gần 40.000 người.
Sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty đã thành lập chi bộ đầu tiên vào ngày 3/10/2001, với 3 đảng viên. Đến tháng 10/2007, Đảng bộ Công ty được thành lập, với 2 chi bộ và 30 đảng viên.
“Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ Công ty không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2001 có 3 đảng viên, thì đến nay Đảng bộ có 274 đảng viên, sinh hoạt tại 6 chi bộ trải đều tại các phân xưởng, các dây chuyền sản xuất”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, kiêm Giám đốc điều hành người Việt - Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết.
Theo ông Hiếu, việc thuyết phục được Ban Giám đốc Công ty ký kết quy chế phối hợp với Ban Chấp hành Đảng bộ ngày 1/1/2020 là cột mốc rất quan trọng. Quy chế này quy định cụ thể về trách nhiệm tuyên truyền, vận động đảng viên, công nhân của Đảng ủy; việc hỗ trợ của Ban Giám đốc doanh nghiệp đối với hoạt động của Đảng ủy. Từ đó hằng quý, Đảng ủy họp với Ban Giám đốc để đóng góp ý kiến về các vấn đề của Công ty, nhằm tạo sự đồng thuận vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Công ty. Ông Hiếu cho biết thêm, mỗi quý Ban Giám đốc cùng tham dự các cuộc họp và các chương trình hoạt động của Đảng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia sinh hoạt và tập huấn, các đợt tham gia này không bị Công ty trừ lương.
Ngoài ra, Ban Giám đốc Công ty còn đồng hành và hỗ trợ ngân sách trong các chương trình, hoạt động của Đảng bộ; thiết lập kênh thông tin chia sẻ hằng quý tạo sự gắn bó giữa tổ chức Đảng và chủ doanh nghiệp. Đẩy mạnh kênh kết nối giữa Đảng bộ, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương qua các cuộc gặp trao đổi, chia sẻ hằng quý, hằng năm.
Tương tự, ông Phạm Thanh Hoàng - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Khảo nghiệm, Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam (thuộc Tập đoàn CP Thái Lan) cho biết: Là một đảng viên, Bí thư Chi bộ, bản thân ông luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình; luôn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Ông Phạm Thanh Hoàng chia sẻ, ông nêu cao tinh thần gương mẫu trong lao động, đời sống; đồng thời, định hướng cho công nhân, đặc biệt là những công nhân trẻ có lý tưởng sống cao đẹp; nêu cao vai trò tiên phong của đảng viên, giúp công nhân tiếp cận nhanh và nắm vững các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả; vận động công nhân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
“Cải cách hành chính” trong công tác Đảng
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, trong khu công nghiệp trên địa bàn hiện có 114 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Đảng (đạt 5,4%). Trong đó, doanh nghiệp FDI có tổ chức Đảng là 64 doanh nghiệp, chiếm 4,4% so với tổng số doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Trí Phương - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: Hiện, việc thành lập, duy trì hoạt động cũng như phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI còn gặp nhiều khó khăn. Chủ doanh nghiệp phần lớn quan tâm đến phát triển sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, ít quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong đơn vị.
Theo ông Phương, để tăng cường công tác xây dựng Đảng và phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước về pháp luật lao động, vai trò của tổ chức Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trí Phương, doanh nghiệp có tổ chức Đảng cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên vì mục tiêu phát triển đơn vị, vì cuộc sống của người lao động; tích cực bồi dưỡng quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên; chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên là công nhân, người lao động đang sinh hoạt ở nơi cư trú về doanh nghiệp để thành lập tổ chức Đảng ở những nơi đủ điều kiện. Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên nơi doanh nghiệp có trụ sở chính cần phân công cấp ủy viên phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để vận động, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên.
Bí thư Đảng ủy, kiêm Giám đốc điều hành người Việt - Công ty Changshin Việt Nam Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, đa số đảng viên làm việc theo ca kíp, nên việc tham gia các khóa học về công tác đảng dài ngày và tập trung gây khó khăn trong sắp xếp công việc, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số chế độ hay quyền lợi của đảng viên đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đôi khi chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định ràng buộc chủ doanh nghiệp về quyền lợi và nghĩa vụ cho tổ chức Đảng.
Ông Hiếu cho rằng việc giảm tối đa các thủ tục, linh hoạt hơn trong phương thức hoạt động của tổ chức Đảng; quan tâm chăm lo đời sống thiết thực như hỗ trợ xây nhà cho đảng viên… là cách hữu hiệu góp phần thu hút công nhân, người lao động có động lực phấn đấu tham gia tổ chức Đảng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Phương cho rằng nên bố trí Bí thư cấp ủy là người có uy tín, có vai trò trong doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho các cấp ủy, nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cần phù hợp và thiết thực đối với từng nhóm đối tượng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, hiện nay số lượng Chủ tịch và Phó Chủ tịch công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 3.251 người, trong đó chỉ có 5,54% là đảng viên, chưa tương xứng với quy mô doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Về các giải pháp xây dựng và phát triển đảng, đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đi đôi với đảm bảo hoạt động của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cần cải cách hành chính trong công tác xây dựng Đảng, giảm hội họp, báo cáo, giấy tờ. Song song với đó, cần linh hoạt về thời gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp; tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức và phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới với nội dung, thời lượng phù hợp, vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc sau giờ làm.