Chăm lo chỗ ở cho công nhân

Để ổn định sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã xây nhà ở, nhà lưu trú hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho công nhân. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để giữ chân người lao động làm việc lâu dài tại thành phố.

Vừa thiếu vừa thừa

TP Hồ Chí Minh có gần 300.000 lao động đang làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN). Do đó, nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất lớn. Thời gian qua, thành phố đã xây dựng nhiều nhà lưu trú cho công nhân song thực tế vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người lao động. Đơn cử như KCX Tân Thuận có hơn 63.000 công nhân lao động làm việc, trong đó có 65% là người ngoại tỉnh. Từ năm 2006 cho đến nay, KCX đã xây dựng được 6 block nhà lưu trú nhưng cũng chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Vì vậy, phần lớn công nhân phải thuê nhà trọ xung quanh KCX.

Công nhân thường thích sống trong các nhà trọ bên ngoài KCN - KCX vì giờ giấc tự do, linh hoạt (ảnh chụp một nhà trọ bên ngoài KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức).

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng ban quản lý KCX - KCN thành phố cho biết, KCX Tân Thuận là mô hình KCN đầu tiên của thành phố, cũng như cả nước, trong quy hoạch không có quỹ đất dành cho xây dựng chỗ ở và những tiện ích đi kèm, nên phát sinh nhiều bất cập. Trong đó, nhà ở là bất cập lớn nhất hiện nay.

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, KCX Tân Thuận, dù có xây nhà lưu trú với giá thuê rẻ, thậm chí cho ở miễn phí, nhưng công nhân vẫn không muốn ở nhà lưu trú. Vì vậy, các block nhà lưu trú mới chỉ lấp đầy 30 - 50%. Đa số công nhân có tâm lý thích ở trọ bên ngoài nhiều hơn vì giờ giấc tự do, linh động, chưa kể nhà lưu trú vẫn chỉ là khu ở tạm thời, không đáp ứng đúng nhu cầu muốn sinh sống, ổn định lâu dài của công nhân.

Làm việc hơn 5 năm tại KCX Tân Thuận (quận 7) nhưng chị Lê Thanh Hà (quê Nam Định), không muốn sống trong khu lưu trú dành cho mình. Theo chị Hà, khu nhà lưu trú rất bất tiện và gò bó về thời gian, nhiều khi tăng ca về khuya muốn về phòng cũng không được vì hết giờ là bảo vệ đóng cửa, hoặc bạn bè tới chơi, bạn bè cũng không thể ngủ lại, hay như muốn tổ chức nấu ăn ở nhà lưu trú cũng khó vì quy định không cho nấu ăn trong phòng… Vì vậy, chị Hà chọn thuê nhà trọ bên ngoài.

Tạo quỹ đất, xây nhà ở xã hội giá rẻ

Để giải quyết vấn đề chỗ ở cho công nhân, theo ông Thông, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương nơi có KCN - KCN trên địa bàn. Đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất bên ngoài KCN - KCX. Theo đó, cần quy hoạch thêm các khu dân cư liền kề, để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, cũng như hình thành những khu dân cư mà trong đó chỉ có công nhân lao động nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài của người lao động khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp.

Là một trong những đơn vị xây dựng nhà lưu trú cho công nhân có hiệu quả, theo bà Lê Thị Bích Việt, Tổng Giám đốc Công ty may da xuất khẩu 30 -4 (quận Phú Nhuận), xây nhà lưu trú cho công nhân cần phải khảo sát nhu cầu thực tế của họ, phải có không gian sinh hoạt thoáng mát, thoải mái, có khu vực tự do, khu vực riêng tư để công nhân luôn cảm thấy đó là ngôi nhà có thể gắn bó lâu dài.

“Tâm lý chung của công nhân là cần có một chỗ trọ sạch sẽ, tiện nghi và bảo đảm an ninh, nhất là công nhân nữ. Vì vậy, nếu đáp ứng tất cả những nhu cầu này của họ, mới thu hút nhiều công nhân vào ở. Làm được việc này cũng giúp cho họ có chỗ ở ổn định và doanh nghiệp cũng có nguồn lao động ổn định, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn”, bà Việt cho biết thêm.
Trong một lần đi khảo sát nhu cầu nhà ở của công nhân ở KCX Tân Thuận gần đây, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo, muốn thành phố phát triển, có chất lượng sống tốt, thì lực lượng công nhân lao động phải được chăm lo tốt, không thể phân biệt đối xử, coi người lao động ngoại tỉnh là công dân hạng hai của thành phố. Bởi lực lượng công nhân là những người cùng doanh nghiệp tạo ra của cải, đóng góp nhiều cho sự phát triển của thành phố. Vì thế, chăm lo cho họ là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Ông Đinh La Thăng cho biết, sắp tới các đơn vị phải nghĩ đến chuyện xây nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân. Cần tham khảo các mô hình nhà ở của Bình Dương, làm sao để với 100 triệu đồng, người lao động có thể sở hữu một căn hộ của riêng mình, tuy nhiên gắn với khu này, phải có nhà trẻ, chợ, siêu thị kèm theo, đầu tư đồng bộ mới thu hút người lao động vào ở, tránh tình trạng công nhân chê nhà lưu trú như hiện nay.

“Chỉ cần thành phố tạo được quỹ đất tốt và có chính sách hỗ trợ tốt thì sẽ thu hút nhà đầu tư mà không cần đến ngân sách xây nhà ở xã hội cho người lao động. Sau đó, sẽ bán lại cho công nhân theo nhiều hình thức một là bán hẳn, hai là trả góp, ba là trả tiền hàng tháng. Có như vậy, mới thu hút công nhân gắn bó lâu dài tại TP Hồ Chí Minh”, Bí thư Thành ủy nhận định.

Bài và ảnh : Hoàng Tuyết
Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân - Bài 1
Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân - Bài 1

Người lao động có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp, thế nhưng phần lớn công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN) lại chưa được thụ hưởng đời sống văn hóa tương xứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN