ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CHƯA TƯƠNG XỨNG
Một trong những nguyên nhân chính đó là hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của công nhân như nhà văn hóa, khu giải trí, sân luyện tập thể thao, phòng đọc sách báo vẫn còn đang rất thiếu thốn.
Cả nước hiện có gần 300 KCN với hơn 2,8 triệu lao động. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy đời sống văn hóa dành cho công nhân chưa tương xứng với thành quả họ đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Các KCN rất thiếu thiết chế văn hóa phục vụ người lao động; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. “Môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng. Một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội”, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định.
Hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho công nhân tại KCN vẫn chưa thực sự lan tỏa trong tầng lớp công nhân và người lao động. Ảnh: Trần Nhung |
KCN Khai Quang là một trong những KCN lớn của tỉnh Vĩnh Phúc với trên 30 công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều không có nhà văn hóa, sân chơi, sân luyện tập thể thao, phòng đọc sách báo, điểm truy cập Internet… dành cho công nhân. Người lao động chủ yếu mới được tham gia một số chương trình giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với công đoàn các công ty vào một số dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, các chương trình giao lưu “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, các giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co… vẫn còn nhỏ lẻ và diễn ra chưa thường xuyên.
Những hoạt động văn - thể - mỹ được xem là tạo cầu nối, giao lưu giữa các công đoàn viên, đồng thời, khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ cho các tầng lớp nhân dân lao động. Thông qua các hoạt động này, cán bộ công nhân viên chức và người lao động có thêm tinh thần phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Dù vậy, các hoạt động này vẫn chưa nhận được sự tham gia đông đảo của các công đoàn viên cũng như công nhân lao động tại các KCN. Hầu hết các công ty đều có riêng một tổ công đoàn và những người tham gia các hoạt động giao lưu văn - thể - mỹ đều là ở tổ công đoàn đó, nên các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ vẫn chưa thực sự lan tỏa trong tầng lớp công nhân lao động.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Th. đang làm việc cho công ty may Shinwon, Vĩnh Phúc, nói: “Công ty tôi hầu hết công nhân là nữ. Các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ, thể thao vẫn còn rất hạn chế. Vào những ngày lễ, Tết chủ yếu anh chị em tự tổ chức sinh hoạt, giao lưu với nhau. Thật sự nhiều lúc cũng mong muốn công ty tổ chức các hoạt động để chị em có điều kiện tham gia, giúp chị em gắn kết, vừa có khoảng thời gian thư giãn sau những giờ lao động căng thẳng, vừa tạo động lực để chị em có tinh thần làm việc hăng say hơn nhưng rất khó bởi điều này còn phụ thuộc vào quy chế của từng công ty”.
Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh thành có nhiều KCN, KCX của cả nước như Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đều có chung tình trạng thiếu địa điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho công nhân, người lao động. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa lớn, nơi dẫn đầu về thu hút nguồn lao động ngoại tỉnh về làm việc và sinh sống. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 15 KCN, với khoảng gần 300.000 lao động đang làm việc, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh.
Theo thống kê, công nhân đa phần là những người trẻ tuổi chưa lập gia đình và nhu cầu được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần khá cao, tuy nhiên do cường độ lao động, việc làm thường xuyên tăng ca nên các nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cũng giảm xuống. Tại một số doanh nghiệp có đông công nhân, nhiều công nhân phải làm thêm tới hơn 600 giờ/năm - vượt mức cho phép tới 3 lần. Dẫn đến hậu quả là hầu hết người lao động làm việc trong các KCN, KCX không thể có tích lũy cũng như thời gian để nâng cao học vấn, tay nghề, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái... Đời sống văn hóa, tinh thần vì thế ngày càng nghèo nàn, đơn điệu.
Bài cuối: Để các thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả