Nhân năm mới Ất Mùi 2015, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời PV báo Tin Tức xung quanh công tác giảm nghèo, tạo việc làm ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, khó khăn.
Hiện nay, tỷ lệ đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc còn cao (chiếm 50% tổng số người nghèo), vậy để chăm lo đối tượng này, bên cạnh chính sách của Nhà nước, Bộ có những giải pháp nào để huy động các nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn?Để tạo sự chuyển biến trong công tác giảm nghèo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ - CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020, trong đó mục tiêu trọng tâm của Nghị quyết là tập trung ưu tiên mọi nguồn lực (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay tín dụng ưu đãi, huy động cộng đồng, xã hội…) để hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, hộ nghèo trên phạm vi cả nước, ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em và ưu tiên hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Giờ thực hành của học viên lớp Cắt gọt kim loại trường Trung cấp nghề Việt Đức Lạng Sơn (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn).Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Từ năm 2008 đến nay, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đã hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 40 Tập đoàn, Tổng công ty đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho các huyện nghèo với tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện hỗ trợ tích cực cho các huyện nghèo với tổng số vốn hỗ trợ hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đối với các doanh nghiệp hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, Bộ LĐTBXH đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và các chính sách ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Nhà nước và nhân dân tại các địa phương cùng đóng góp thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Trên cơ sở nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, cộng đồng dân cư... các địa phương đã chủ động lồng ghép để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo đã có những chuyển biến rõ rệt trong thời gian qua, đặc biệt tại các khu vực huyện nghèo, khu vực miền núi, dân tộc và nông thôn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội, thời gian tới, Bộ LĐTBXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan... tổ chức các cuộc vận động xã hội hóa công tác giảm nghèo, đề xuất Chính phủ có hình thức khen thưởng đối với các đơn vị tích cực tham gia hỗ trợ cho các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng dạy nghề cho vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, trong năm tới, Bộ sẽ triển khai những giải pháp gì?Những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên và hỗ trợ người dân tộc thiểu số học nghề, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua số lượng người dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng khó khăn về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở, trình độ học vấn của người dân không đồng đều. Điều này, cùng với các đặc thù về phong tục, tập quán dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.
Để nâng cao số lượng và chất lượng dạy nghề cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, trong năm tới Bộ LĐTBXH tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thông tin, tiếp cận và hiểu rõ chính sách học nghề tại chỗ đối với việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và thu nhập.
Bộ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số chính sách dạy nghề cho phù hợp với đặc thù về kinh tế - xã hội, tập quán sản xuất và trình độ của người dân tộc thiểu số, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, sẽ đa dạng hóa các hình thức và cách thức tổ chức lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán sinh sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức rà soát, hoàn thiện danh mục nghề, chương trình đào tạo, định mức chi phí phù hợp đối với từng nghề để thu hút đồng bào đăng ký học nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là người dân tộc thiểu số đối với các trường chất lượng cao, các nghề trọng điểm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường dạy nghề dân tộc nội trú; ưu tiên kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ có điều chỉnh như thế nào để việc xuất khẩu lao động huyện nghèo theo Quyết định 71 tạo động lực cho các hộ thoát nghèo? Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” với mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”. Đây là một trong số những chính sách của Nghị Quyết 30a của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân ở các huyện nghèo nhất của cả nước, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng, miền, tiếp tục thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Sau 5 năm thực hiện, đến nay đã có hơn 20.000 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia Đề án, trong đó trên 10.000 lao động đã được đi làm việc tại các thị trường như Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả rập xêút, Đài Loan… trong đó lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp so với chỉ tiêu đề ra do một số nguyên nhân, trong đó không ít khó khăn đến từ phía người lao động.
Để việc đi xuất khẩu lao động trở thành động lực thoát nghèo cho các lao động huyện nghèo cũng như để tăng chất lượng nguồn lao động huyện nghèo, hướng tới thị trường có thu nhập cao, trong thời gian tới, Bộ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Đề án cũng như tuyên truyền về các gương điển hình tốt của lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trở về đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, từ đó tạo động lực và niềm tin cho lao động huyện nghèo, khuyến khích họ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, Bộ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề từ khâu tư vấn, tuyên truyền, tuyển chọn và đào tạo nghề, ngoại ngữ và quản lý người lao động ở nước ngoài nhằm đảm bảo đúng quy trình và chất lượng đào tạo, hạn chế thấp nhất những phát sinh và rủi ro đối với người lao động các huyện nghèo.
Từ thực tế đã triển khai, Bộ LĐTBXH sẽ đưa ra cơ chế mới trong việc thực hiện Quyết định 71, trong đó chú trọng tạo nguồn lao động. Các doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng nhưng lại thiếu nguồn tốt để tuyển chọn. Do đó, trong thời gian tới đây, giao cho địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tư vấn tuyển chọn lao động. Đối với những doanh nghiệp tham gia chương trình, cần đưa ra một quy trình, cơ chế mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện Quyết định 71.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!Xuân Cường (thực hiện)