Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi: Bài 1 - Nhu cầu thực tế

Tại các nước phát triển, việc chăm sóc người cao tuổi trong viện dưỡng lão từ lâu được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trước thách thức già hóa dân số. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, các trại dưỡng lão đến nay vẫn rất thiếu và yếu.

Vượt qua định kiến

Chăm sóc sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh, cán bộ hưu trí tại Viện dưỡng lão Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Khi bố bị ngã gãy chân, chị Thanh Tâm (ngụ quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa bố về nhà mình chăm sóc. Thời gian đầu, bố của chị Tâm vẫn vui sống bên con cháu nhưng ba năm trở lại đây, sức khỏe của bố chị ngày một yếu hơn. Do bận đi làm, chị Tâm phải thuê người giúp việc về phụ giúp việc chăm sóc bố  nhưng cũng chỉ được vài ba tháng, lần lượt các giúp việc đều xin nghỉ. Không còn cách nào hơn, chị Tâm quyết định đưa bố vào sống trong viện dưỡng lão.

Sau gần 1 năm đưa bố vào một trung tâm dưỡng lão ở huyện Củ Chi, chị Thanh Tâm cho biết, sức khỏe của bố chị đã ổn định hơn rất nhiều. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, gia đình chị lại vào thăm bố. Chị Tâm chia sẻ: Chị đã phải vượt qua rất nhiều lời dị nghị khi quyết định đưa bố vào viện dưỡng lão, Nay thấy bố mình sau khi sống ở viện dưỡng lão có sức khỏe tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn chị thấy quyết định của mình là đúng đắn.

"Dì họ của tôi chỉ có một người con trai duy nhất nhưng chưa kịp lập gia đình riêng thì anh đã bị tai nạn giao thông và qua đời. Mấy năm nay, dì sống một mình, sức khỏe của dì ngày một kém... Theo nguyện vọng của dì, tôi đang tìm một trung tâm dưỡng lão phù hợp để dì vừa được chăm sóc mỗi ngày, vừa có người trò chuyện", chị Minh Đường, quận 3, chia sẻ.

Tìm viện dưỡng lão đang là phương án được nhiều người nghĩ đến khi gia đình có người cao tuổi gặp vấn đề về sức khỏe, tâm lý. Nếu như những năm trước đây, việc đưa ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão thường bị cho là “bất hiếu” thì nay việc làm này đã được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn. Thực tế chứng minh, với những người cao tuổi gặp vấn đề về sức khỏe, tâm lý tuổi già, việc vào sống trong các viện dưỡng lão  không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn giúp nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi.

Nhận định về nhu cầu tìm nơi dưỡng lão cho người cao tuổi, Thạc sỹ Trịnh Thị Hiền - Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây sẽ là xu hướng trong tương lai bởi Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Tỷ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta hiện chiếm 10% dân số, tương đương với 9 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỷ lệ 17%, tương đương khoảng 16,5 triệu người. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, nhất là những người gặp vấn đề về sức khỏe.

“Việc con cái bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão cao cấp để hưởng dịch vụ tốt, có môi trường sinh hoạt vui vẻ thoải mái, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, hoàn toàn không có nghĩa là chối bỏ trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, vì vậy xã hội cần nghĩ thoáng hơn về vấn đề này”, Thạc sỹ Trịnh Thị Hiền cho hay.

Cung chưa đủ cầu

Cụ Đoàn Thị Luân – Cựu tù chính trị Côn Đảo, thương binh 4/4 an dưỡng tại Viện dưỡng lão Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 500.000 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 5,4% dân số.

Thế nhưng, theo ông Châu Minh Tỷ, Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh, ở thành phố còn quá ít các cơ sở dưỡng lão phục vụ cho người cao tuổi. Hiện có 3 loại hình dưỡng lão cùng tồn tại trên địa bàn thành phố là loại hình trung tâm dưỡng lão công lập không thu phí; trong đó lớn nhất là Trung nuôi dưỡng và bảo trợ người già tàn tật Thạnh Lộc (quận 12) với hơn 300 cụ đang được nuôi dưỡng, chủ yếu là người già tàn tật, neo đơn, không nơi nương tựa. Địa chỉ thứ 2 là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè với khoảng 150 cụ thuộc diện chính sách, có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ… Đơn vị này đang thí điểm nhận nuôi dưỡng có thu phí nhưng hạn chế về số lượng.

Loại hình thứ hai là các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi không nơi nương tựa do các tổ chức từ thiện, tôn giáo lập ra. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 9 cơ sở dạng này song nhưng đa số có quy mô nhỏ.

Loại hình thứ ba là các trung tâm, viện dưỡng lão có thu phí do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng, chẳng hạn làng an dưỡng Ba Thương (nay là làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông) và Viện dưỡng lão Bình Mỹ (đều có địa chỉ tại huyện Củ Chi). Tuy nhiên, do chi phí cao nên số người cao tuổi được người thân đưa vào gửi tại các đơn vị này còn khá ít.

Đánh giá về hoạt động của các loại hình trung tâm dưỡng lão hiện nay, ông Châu Minh Tỷ cho rằng, tại các cơ sở, trung tâm dưỡng lão công lập, chi phí nuôi dưỡng được miễn 100% nhưng số lượng người cao tuổi được nhận vào còn khá hạn chế. Các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi từ thiện thì kinh phí hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào các nhà tài trợ do đó chất lượng chăm sóc vẫn chưa ổn định. Riêng đối với loại hình dưỡng lão tư nhân có chất lượng phục vụ tốt thì giá cả cao nên vẫn “ngoài tầm với” của đại đa số người cao tuổi hiện nay...

Bài cuối: Xã hội hóa các viện dưỡng lão

Đinh Hằng (TTXVN)
Hà Nội chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái
Hà Nội chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái

Nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đang triển khai và duy trì mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái, trong đó hai địa phương được chọn làm thí điểm mô hình này là huyện Thanh Oai và thị xã Sơn Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN