Theo số liệu cập nhật từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí ở 11 trạm đo tại Hà Nội trong những ngày qua đều ở ngưỡng xanh, mức tốt cho sức khỏe, chỉ có một vài ngày chất lượng không khí AQI ở mức kém và xấu. Các thông số về bụi mịn PM2.5 đều giảm từ 25 - 30% ở tất cả các trạm quan trắc tại Hà Nội. Các chỉ số AQI đều cơ bản đạt dưới 50.
Theo ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu ứng dụng đo chất lượng không khí PAM Air, ghi nhận của hệ thống đo của PAM Air những ngày gần đây cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác nhiều ngày đạt ngưỡng tốt, trung bình.
So sánh một số ngày có yếu tố khí tượng tương đương như những ngày của tháng trước, cụ thể là ngày 3/4 và ngày 20 - 21/2, tại điểm đo trên đường Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội); thì chỉ số chất lượng không khí khác hẳn nhau.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 7 – 15 giờ ngày 3/4, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí chỉ dao động ở dưới mức 60, thậm chí có lúc xuống chỉ còn trên 20, không khí ở mức “xanh”. Trong khi đó, ngày 20 - 21/2 là những ngày có cùng điều kiện thời tiết khí tượng với ngày 3/4, lại có nồng độ bụi mịn PM 2.5 từ 80 - 180 (20/2) và 140 – 160 (21/2).
Ông Hoàng Dũng cho biết, khí tượng đóng vai trò lớn trong chất lượng không khí. Đối với những ngày lặng gió, nhiều sương thì sẽ gây ra 1 lớp lá chắn, ngăn bụi mịn không phát tán được và làm ô nhiễm không khí trầm trọng hơn, tức là nguồn thải thải ra bao nhiêu thì bị giữ lại hết.
“Tuy nhiên, cùng điều kiện đó, ngày 3/4 là ngày thực hiện cách ly, có ít phương tiện giao thông, ít các hoạt động sản xuất, đốt rác... thì không khí lại tốt hơn hẳn so với 2 ngày 20 - 21/2, vì nguồn thải giảm thiểu. việc giãn cách xã hội nghĩa là giảm lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm các hoạt động xây dựng và giảm khí đốt ngoài trời, góp phần làm chất lượng không khí tốt lên”, ông Hoàng Dũng cho biết.
Cùng với đó, theo kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, tại cùng thời điểm từ ngày 21/3 -5/4 qua các năm 2016 - 2020, nồng độ bụi mịn PM2.5 năm 2020 ở mức 20 – 55, trong khi đó năm 2016 ở mức 25 - 130, năm 2017 ở mức 17 - 80, năm 2018 có ngưỡng từ 42 - 85, năm 2019 là 30 - 100.
Còn theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), số liệu kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa) do Tổng cục Môi trường quản lý; 10 trạm (tại Hà Nội) do Sở TN&MT Hà Nội quản lý; 2 trạm (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) của Đại sứ quán Mỹ cho thấy: Trong tháng 3/2020, mặc dù vẫn có nhiều khu vực có giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM 2.5 vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tuy nhiên, mức độ ô nhiễm có giảm so với tháng 1 và tháng 2. Tại các đô thị khác, chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt và trung bình.
Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy, tại Hà Nội, có 13/31 ngày chất lượng không khí ở mức kém (101 - 150) là ngưỡng không tốt cho nhóm nhạy cảm, tập trung từ ngày 6 - 17/3. Vẫn có 2 ngày 9/3 và 16/3, chất lượng không khí ở đa số các trạm ở mức xấu (151 - 200) là ngưỡng khiến người bình thường có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, khoảng thời gian từ sau ngày 20/3 đến cuối tháng 3, giá trị thông số PM2.5 trung bình trong ngày tại các trạm có xu hướng giảm, chất lượng không khí chủ yếu nằm ở mức trung bình và tiếp tục có xu hướng được cải thiện. Thời điểm có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất trong ngày tập trung vào đêm và sáng sớm, do sương mù nặng nhất, các hạt bụi không thể khuếch tán trong không khí.
Tổng cục Môi trường nhận định, những biến động của yếu tố thời tiết trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông và một số hoạt động sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của đại dịch COVID–19 cũng có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí, là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội suy giảm những ngày qua.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi diễn biến chất lượng không khí, đặc biệt từ sau ngày 28/3, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hạn chế các phương tiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, giảm tần suất hoạt động các phương tiện giao thông công cộng… và từ ngày 1/4 giãn cách xã hội, hạn chế tối đa các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tạm dừng các hoạt động giao thông công cộng như xe buýt, taxi, dịch vụ xe chở khách…. Qua đó, có thể sẽ có những đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, giao thông tới chất lượng không khí của các khu vực đô thị.
Các mức chất lượng không khí AQI tương ứng ảnh hưởng tới sức khỏe theo quy định về hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
0 - 50 (Tốt): Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe
51 - 100 (Trung bình): Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch...) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
101 - 150 (Kém): Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
151 - 200 (Xấu): Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
201 - 300 (Rất xấu): Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.
301 - 500 (Nguy hại): Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng.