Những ca phẫu thuật cho thương binh trong điều kiện lều lán tạm bợ, thiếu thốn từ thuốc gây mê tới bông gạc, luôn là nỗi “đau đớn” đối với mọi bác sĩ cầm dao mổ. Đối với Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Đặng Hiếu Trưng - nguyên Đội trưởng Đội điều trị của Đại đoàn 308 - chính sự gan dạ, kiên cường của những thương binh trẻ đã giúp ông có thêm sức mạnh.
Các anh rất kiên cường
GS Đặng Hiếu Trưng kể lại: Đêm 29/11/1953, đúng 9 ngày sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Đội điều trị của Đại đoàn 308 (bí danh ĐT.8) được lệnh rời Phú Xuân (Thái Nguyên) lên Điện Biên Phủ. Toàn đội có khoảng 100 người, phần lớn là các y sỹ, sinh viên thực tập mang theo những thứ cần dùng cho chiến dịch và lên đường. Dọc đường đi, ngoài nhiệm vụ hướng dẫn cách giữ gìn sức khỏe, tránh máy bay địch, các cán bộ trong Đội điều trị còn tranh thủ những phút nghỉ ngơi huấn luyện cho anh em dân công những kiến thức sơ đẳng về cách chăm sóc, vận chuyển thương binh... Trải qua 40 ngày đêm hành quân vất vả, đêm đi, ngày nghỉ qua Tuyên Quang, Yên Bái, Mộc Châu, Sơn La, Thuận Châu, đèo Pha Đin, Tuần Giáo... Đội điều trị vào đến ven rừng Điện Biên Phủ ngày 6/1/1954.
Thầy thuốc nhân dân Đặng Hiếu Trưng. |
Nhiệm vụ của Đội điều trị Đại đoàn 308 là xử trí tất cả các trường hợp cấp cứu, bị thương từ tuyến Trung đoàn chuyển về, làm các phẫu thuật cơ bản và cấp cứu ở gần sát mặt trận, chuyển thương binh nặng về tuyến sau, giữ thương binh nhẹ lại điều trị từ 7 đến 10 ngày trước khi trả về đơn vị chiến đấu. Nơi Đội đặt trụ sở cách tổng hành dinh của tướng Đờ Cát chỉ vỏn vẹn 5 km đường chim bay, ngay trong tầm pháo địch. “Nhiều khi chúng tôi đang mổ ở dưới, đại bác của địch nổ ngay trên nóc hầm. Nếu không có hầm, thì khi ấy mình đã là xác pháo” - GS Đặng Hiếu Trưng nhớ lại.
Trong những “bệnh viện dã chiến” được lập lên sơ sài của chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi thiếu thốn đủ thứ từ thuốc gây mê tới bông băng, đèn chiếu sáng, thì việc phẫu thuật vết thương cho các chiến sĩ luôn là nỗi ám ảnh với bất cứ y, bác sĩ nào. Đối với GS Đặng Hiếu Trưng, điều khiến ông cảm phục nhất và cũng là động lực giúp ông vượt qua khó khăn, đó là tinh thần anh dũng của anh em thương binh. Các anh chịu đựng “rất tốt, rất kiên cường”, ông kể. Thông thường trước khi mổ, thương binh được tiêm thuốc gây mê, như pentothal, thuốc mê tĩnh mạch được lấy từ các thùng thuốc do địch thả lạc vào trận địa ta. Ở giai đoạn trước mê, thường là giai đoạn kích thích, nhiều thương binh không ngừng hô “xung phong”. Có anh vẫn không quên hô mệnh lệnh chiến đấu như: “A lô, a lô, Sông Hương đâu, đây là Sông Thao”, hay “Pháo đâu, bắn vào vị trí X”... Thậm chí, có chiến sỹ mới 19 tuổi, bị thương mù cả hai mắt, trong khi anh em trong đội không biết nên động viên thế nào, thì chiến sỹ đó lại cất cao giọng hát bài ca ví dặm Nghệ Tĩnh. “Chính tinh thần kiên cường đó của anh em đã giúp tôi tự tin và làm việc tốt hơn”, GS Trưng tâm sự.
Chữa trị cho tù nhân
Sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7/5, khi các đơn vị khác được lệnh rút về xuôi, Đội điều trị của Đại đoàn 308 tiếp nhận một nhiệm vụ đặc biệt: Cứu chữa cho tù binh Pháp bị thương trước khi trao trả. Buổi sáng đầu tiên sau ngày quân viễn chinh Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, Đội điều trị được lệnh triển khai một bệnh viện dã chiến, đưa hết tù binh Pháp bị thương lên khỏi hầm, cứu chữa, nuôi dưỡng họ và đợi lệnh cấp trên. Vậy là một bệnh viện mặt trận cho tù thương binh nhanh chóng được xây dựng. Hàng trăm dù hoa, lều bạt được căng lên, làm nơi mổ xẻ, thay băng, pha chế thuốc, săn sóc thuốc men cho gần một nghìn tù thương binh. Được các y bác sỹ Việt Nam phẫu thuật, thay băng, cho thuốc, cho ăn uống... đa số họ đều rất cảm động. GS Trưng kể: Một buổi sáng nọ, khi ông đi ngang qua giường bệnh, một viên đội tên là Planchet bỗng vùng dậy vồ chặt lấy, đầm đìa nước mắt. Anh ta lắp bắp: “Tôi biết, nếu tôi không được mổ kịp thời, và nuôi dưỡng thì tôi đã chết; phải vĩnh viễn xa rời quê hương Provence xinh đẹp và yêu dấu của tôi. Nay được các anh mổ cứu, tôi sống chắc rồi. Cha mẹ đã sinh ra tôi, nhưng chính nhân dân và quân đội các ông mới thực sự đã cứu cho tôi sống lại”.
Planchet không phải là cá biệt. Trong một buổi chiếu phim trên bãi đất rộng bên sông, một tù thương binh đã bị ngất. Sau khi được cấp cứu tỉnh lại, một tù binh tuyên úy định vào làm phép cho tù thương binh kia, nhưng anh ta đã từ chối thẳng thừng. Chỉ tay vào chiếc thánh giá mà viên tuyên úy đang đeo trước ngực, tù binh bị thương nói: “Không phải cái này đã cứu sống tôi đâu, mà chính nhân dân Việt Nam mới thực sự đã cứu vớt thể xác và linh hồn tôi”. Những ngày sau đó, nhiều tù nhân thương binh Pháp khi thấy được lòng nhân đạo của ta đã tâm phục đầu hàng. Mỗi ngày có hàng chục tù nhân được điều trị đã gửi thư cảm tạ, bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với chính sách khoan hồng của Chính phủ ta. Đến ngày 28/5, Đội điều trị Đại đoàn 308 đã phẫu thuật cho tổng cộng 858 tù thương binh, những người sau đó được đưa về Hà Nội và trao trả cho phía Pháp.
GS Đặng Hiếu Trưng tâm sự: “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi những hình ảnh tôi nhìn thấy trước khi rời Điện Biên Phủ, đó là cảnh đồng bào các dân tộc vui vẻ trở về bản cũ, là tiếng mõ trâu lộc cộc trên nương. Các em bé chăn trâu vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt các đơn vị bộ đội trên đường về xuôi. Và, một cuộc sống mới tươi đẹp đã đến với vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng”.
Phương Lan