Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm về trước, PGS.TS Trịnh Văn Luận (nguyên chuyên viên Cục Quân y) là y sỹ điều trị phụ trách ban trọng thương ở Đội điều trị 1, bệnh viện dã chiến. Khi đó, những ca mổ khó nhất, bao gồm tất cả các ca chấn thương sọ não, đều được chuyển về đây. Trong căn nhà ấm áp của mình, PGS TS Trịnh Văn Luận kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó quên cách đây 60 năm, mà trong mắt ông vẫn ánh lên tình cảm dành cho những chiến sĩ thương binh không quản hy sinh tính mạng để đất nước có ngày chiến thắng.
Ngon nhất, tốt nhất đều dành cho thương binh
PGS.TS Trịnh Văn Luận kể lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội điều trị 1 được giao nhiệm vụ tổ chức một bệnh viện dã chiến tại km 64 đường Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ chủ yếu là điều trị cho thương binh nặng. Đây là địa điểm cũ của Sở chỉ huy mặt trận, đã có sẵn nhiều hầm trú ẩn và một số lán trại có thể thu dung (tiếp nhận) thương binh ngay lập tức. Theo nhiệm vụ cấp trên giao, Đội điều trị 1 triển khai một trạm thu dung phân loại, một khu trọng thương tiếp nhận các thương binh sọ não và thương binh nặng, và một khu trung thương dành cho bộ đội bị chấn thương.
Thời điểm đó, ngoài biên chế sẵn có, Đội điều trị 1 còn được bổ sung thêm y sỹ, y tá, dân công, được tăng cường một bộ phận X quang, 1 ban xét nghiệm của Bộ Y tế. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính phủ đã cử một đoàn y tế cấp cao gồm có bác sỹ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh, bác sỹ Tôn Thất Tùng - cố vấn khoa Ngoại của Bộ Quốc phòng, bác sỹ Nguyễn Dương Quang cùng nhiều cán bộ khác của trường Đại học Y khoa Chiêm Hóa trực tiếp làm tư vấn giúp đỡ quân y chiến dịch và Đội điều trị 1.
Trung bình mỗi ngày Đội điều trị thực hiện khoảng 20-30 ca mổ, với 4 kíp mổ chia nhau làm việc cả ngày lẫn đêm. Những trường hợp bị thương nặng, những ca mổ khó, đặc biệt là các vết thương sọ não… đều do bác sỹ Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ. Bác sĩ Luận lúc đó là y sỹ chuyên phụ mổ cho bác sỹ Tùng và chăm sóc thương binh. “Bác sỹ Tùng có rất nhiều kinh nghiệm hay trong xử trí vết thương, nhờ đó mà tôi cũng học hỏi được nhiều, nhất là những kinh nghiệm trong việc xử lý các vết thương sọ não như phương pháp gây tê tại chỗ, lấy các dị vật như tổ chức não dập, máu tụ trong não…”, PGS.TS Trịnh Văn Luận kể lại.
Cuối tháng 4/1954, thương binh về ngày càng nhiều. Lúc cao điểm nhất Đội nhận đến 700 thương binh. Lúc đó cũng là bắt đầu vào mùa mưa, lán bị dột, các vết thương bị lấm bùn đất nhiễm trùng, nhiều vết thương còn có giòi, bông băng gạc bắt đầu thiếu… Bác sỹ Tôn Thất Tùng đã trực tiếp đề nghị trên cấp nilon để chống dột, hóa chất DDT chống ruồi, đồng thời hướng dẫn anh em trong đội cách khắc phục khó khăn. Trước sự đau đớn của thương binh, tất cả đều hết tâm hết sức tìm mọi cách để giúp anh em chóng bình phục. Để giảm công cáng thương binh lên phòng thay băng, Đội đã tổ chức các tổ thay băng lưu động, trực tiếp đi đến từng lán thay băng tại chỗ. Anh em dùng dung dịch Quinacrine 2% để chống giòi ở vết thương sọ não. Để tiết kiệm, anh em thu hồi băng gạc đã dùng và đem giặt sạch sẽ để dùng lại. Trung bình mỗi một cuộn băng phải “quay vòng” đến 4 lần. Ngoài ra, nhiều chị em còn lấy vải dù trắng do Pháp thả xuống khâu làm băng.
Trong thời gian phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, có một kỷ niệm mà PGS.TS Trịnh Văn Luận vẫn nhớ mãi. Đó là một ngày khoảng giữa tháng 4, khi đó đang là cuối mùa khô, cánh rừng gần bệnh viện bị cháy. Lửa bốc lên ngùn ngụt, lan đến bên đồi, bên suối rồi lan vào khu trung và trọng thương. Các anh em trong đội điều trị người lao vào cõng, khiêng thương binh sơ tán khỏi nơi nguy hiểm, người thì nhặt vội những cành cây lao ra dập lửa. Mãi đến khi anh em làm một con đường rộng làm vành đai an toàn, ngăn cách với khu vực bệnh viện, lúc đó đám cháy mới được khống chế.
Công việc cứu chữa thương binh cứ đều đặn diễn ra hàng ngày. Bác sỹ, y sỹ thay nhau mổ điều trị; y tá và dân công thay nhau chăm sóc thương binh, lo ăn uống cho mọi người. Những đồ ăn ngon nhất, tốt nhất đều được ưu tiên dành cho thương binh. “Nhìn các chiến sỹ bị thương, phải chịu đau đớn nằm đó, chúng tôi xót xa lắm, nên ai cũng cố gắng chăm sóc, động viện anh em thật tốt” - PGS.TS Trịnh Văn Luận tâm sự.
Chuyển thương binh về hậu phương
Sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, PGS.TS Trịnh Văn Luận là một trong những người được giao phụ trách việc chuyển thương binh về hậu phương. Đây là một nhiệm vụ lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi số thương bệnh binh còn lại ở Điện Biên Phủ lúc đó lên tới hơn 6.000 người. Những thương binh quá nặng không thể chuyển được thì ở lại điều trị; thương binh nặng thì chuyển về bằng cáng; thương binh nhẹ chuyển bằng ô tô.
Đường chuyển thương binh từ Điện Biên Phủ về hậu phương được chia thành 4 tuyến, mỗi tuyến có một ban chỉ huy phụ trách. Trên từng tuyến có các trạm nghỉ cho ô tô, trạm nghỉ cho dân công cáng. Để việc vận chuyển được tốt hơn, anh em trong đội chuyển thương đã đề ra những khẩu hiệu như: “Mỗi xe ô tô là một bệnh xá lưu động” để giáo dục anh em lái xe có ý thức lái xe cho êm, giúp thương binh đỡ đau đớn. Với những cáng đi bộ, do đường xa hơn 400 km, anh em đã đề ra khẩu hiệu “Một tổ cáng là một gia đình thân yêu”. Anh em trong cáng thương được điều trị chăm sóc từ đầu đến cuối thành một gia đình, tạo tình đoàn kết giữa thương binh và dân công. Những lúc trời mưa, dân công có sáng kiến lấy tre làm khung trên mui cáng rồi che nilon hoặc lợp lá để che nắng, che mưa cho thương binh, lúc trời mát mẻ thì lại bỏ ra cho thoáng… Cuối cùng, gần 1 tháng sau khi chiến dịch kết thúc, các thương binh đã được chuyển hết về các bệnh viện hậu phương.
60 năm đã trôi qua, những kỷ niệm trong những ngày tháng tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn ghi mãi trong lòng PGS.TS Trịnh Văn Luận, người chiến sỹ quân y năm ấy.
Phương Lan
Bài 4: Điện Biên có những căn hầm mổ