Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, sáng ngày 17/7, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Báo Đại biểu Nhân dân (Văn phòng Quốc hội), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công”.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng qua quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những vướng mắc, nhất là một số quy định liên quan đến công tác xác nhận người có công, thực hiện chính sách ưu đãi… còn bất cập. Đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách ưu đãi ngày càng mở rộng rộng, chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Kể từ khi Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng ban hành vào tháng 12/1994 đến nay đã 6 lần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
“Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, khi thẩm tra dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh và các văn bản có liên quan đề từ đó nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến chính sách, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định”, ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết.
Một trong những kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công là bổ sung các đối tượng như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người tham gia bảo vệ tổ quốc bị địch bắt, từ đầy sau ngày 30/4/1975, hoặc người có công là người Việt Nam ở nước ngoài…
Đại tá Ngô Quang Phú, Phó Cục trưởng Cục Chính sách quân đội (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Đối với chính sách với người có công định cư ở nước ngoài, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu để đề xuất với Ban bí thư chính sách cụ thể. Qua khảo sát ở một số nước, sẽ có khoảng 40.000 đối tượng thuộc diện này ở các nước”.
Đại diện các cơ quan, hội đoàn thể, chuyên gia trong lĩnh vực người có công cho rằng việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công là cần thiết, tuy nhiên việc xem xét đối tượng phải có rà soát, đánh giá cụ thể từng nhóm đối tượng tác động, qua đó xác định số liệu chính xác, để xác định nguồn lực; tránh tình trạng như việc thống kê sửa nhà cho đối tượng có công thời gian vừa qua, thống kê ban đầu chỉ có hơn 72.000 nhà cần sửa chữa nhưng hiên nay thống kê bổ sung lên đến hơn 300.000 nhà người có công cần sửa chữa.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Bộ sẽ sớm tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành Pháp lệnh mới thay thể Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành nhằm mục đích thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Những vấn đề liên quan đến người có công là những vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp, do đó để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi người có công phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tiến hành từng bước phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo công bằng xã hội.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thời gia qua, khi thực hiện chính sách người có công nổi cộm lên một số vấn đề như: Giải quyết hồ sơ tồn đọng, thực hiện đề án xác định danh tính liệt sĩ và đề án tìm kiếm hài cốt liệt sỹ; đời sống một bộ phận người có công còn khó khăn; thủ tục hành chính giải quyết chế độ còn vướng mắc. Do đó, thời gian tới sẽ huy động nhiều nguồn lực để chăm lo hơn nữa người có công, tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng, xây dựng hoàn thiện văn bản pháp luật, trong đó có sửa đổi pháp lệnh ưu đãi người có công. Các góp ý của các đại biểu sẽ được ban tổ chức hội thảo tiếp thu, chuyển tới các cơ quan hữu quan để hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công trong thời gian tới.