Chồng chéo cấp số định danh cá nhân?

Từ 1/1/2016, thời điểm dự kiến luật Hộ tịch có hiệu lực, cán bộ Tư pháp – hộ tịch sẽ cấp số định danh cho trẻ mới ra đời khi làm thủ tục đăng ký khai sinh nhưng kho số vẫn do Bộ Công an quản lý. Còn với hơn 90 triệu dân đã sống từ trước thời điểm này, Bộ Công an sẽ cấp số khi mỗi người làm thẻ căn cước/chứng minh nhân dân mới.


Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục kiểm sát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan trước câu hỏi liệu có sự "dẫm chân" khi Bộ Tư pháp xây dựng Luật Hộ tịch, còn Bộ Công an lại triển khai xây dựng luật căn cước công dân.


Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) trả lời về mối quan hệ giữa Luật Hộ tịch và Luật Căn cước.


Theo ông Phan, việc Bộ Công an cấp chứng minh nhân dân mới gồm 12 số như hiện nay là hoàn toàn thống nhất với việc xây dựng số định danh cá nhân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


Báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ rõ, để đáp ứng mục tiêu của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 896) thì phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân. Số định danh này  được coi là “chìa khóa” để tra cứu thông tin của từng cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu chứa đựng những thông tin cơ bản của các cá nhân, được xây dựng thống nhất trong toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan này.


“Việc xây dựng dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân trong bối cảnh triển khai đề án 896 phải đảm bảo sự gắn kết, đồng bộ giữa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể”, Cục trưởng Ngô Hải Phan nhấn mạnh.


Theo đó, Luật Căn cước công dân do Bộ Công an soạn thảo quy định nội hàm và giá trị pháp lý của Số định danh cá nhân, quy định việc cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Thẻ căn cước ghi nhận các thông tin cơ bản, đặc điểm nhận dạng bên ngoài của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Mục đích của việc cấp, quản lý thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của người dân, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ của công an, góp phần phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.


Trong khi đó Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp soạn thảo. "Trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành thì khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp – hộ tịch nhập thông tin khai sinh vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân được lấy từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được công chức Tư pháp – hộ tịch ghi vào sổ bộ hộ tịch và trích lục khai sinh. Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước hoặc các thủ tục hành chính khác, công dân chỉ cần thông báo số định danh cá nhân", ông Phan cho biết.


Trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa vận hành, khi đăng ký khai sinh, cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cấp trích lục khai sinh. Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, công dân phải xuất trình trích lục khai sinh. Thông tin công dân được nhập vào cơ sở dữ liệu căn cước và có số căn cước. Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu về căn cước sẽ là cơ sở dữ liệu ngành cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số căn cước sẽ là số định danh cá nhân.



T. Phương

Người dân sẽ “nhàn” hơn nhờ Luật Hộ tịch
Người dân sẽ “nhàn” hơn nhờ Luật Hộ tịch

Công tác quản lý hộ tịch đang bộc lộ một số bất cập. Từ thực tế này, dự thảo Luật Hộ tịch sẽ tập trung vào việc cải cách trong công tác quản lý hộ tịch theo hướng có lợi cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN