Chủ động phòng cúm A/H7N9 từ Trung Quốc

Nhiều người dân đang rất lo lắng sau khi có thông tin 2/3 số người nhiễm virút cúm A/H7N9 tại Trung Quốc bị tử vong; và loại virút này vốn chỉ gây bệnh trên gia cầm nay lại gây bệnh trên người. Vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh này ra sao và đâu là biện pháp để phòng tránh?


TS Trần Như Dương (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.



Virút cúm A/H7N9, một loại virút vốn chỉ tồn tại trên gia cầm, nay lại lây sang người với độc lực mạnh, gây tử vong cao... Liệu đây có phải là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ lây lan nhanh căn bệnh này không, thưa ông?


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thông báo nêu rõ, từ tháng 2/2013 đến nay đã có 3 bệnh nhân Trung Quốc nhiễm cúm A/H7N9; trong đó đã có 2 người tử vong. Kết quả xét nghiệm của Cơ quan phòng chống bệnh tật tại Trung Quốc cho thấy, virút gây bệnh là cúm A/H7N9, một loại virút có nguồn gốc từ gia cầm. Cả ba ca nhiễm cúm A/H7N9 đều có triệu chứng viêm đường hô hấp diễn tiến nhanh tới viêm phổi và suy hô hấp. Ngoài hai ca đã tử vong (đều là người Thượng Hải) thì ca nhiễm cúm A/H7N9 còn lại (người An Huy) vẫn đang trong tình trạng hết sức nguy kịch. Bệnh nhân này có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.


Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, trước khi một bệnh nhân ở Thượng Hải khởi phát bệnh và tử vong thì hai thành viên khác trong gia đình người này bị viêm phổi nặng. Ngoài ra, không phát hiện thấy ca bệnh mới nào trong số 88 người đã từng tiếp xúc với ba bệnh nhân nói trên. Vì vậy, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được sự liên quan về dịch tễ học giữa các ca bệnh.


Hiện tại, WHO khẳng định, đây là lần đầu tiên virút cúm A/H7N9 gây bệnh nặng trên người; hiện chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Các nhà khoa học đang tiến hành điều tra sâu hơn về việc bùng phát bệnh dịch, nguồn lây nhiễm, phương thức lây truyền, cách thức điều trị, cũng như các biện pháp dự phòng. Do đó, WHO chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia và với Trung Quốc.


Để chủ động phòng ngừa loại virút này, ngành y tế nói chung và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có những biện pháp gì, thưa ông?


Mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người của chủng virút cúm A/H7N9 nhưng đây là những ca bệnh đầu nên các nhà chuyên môn đang hết sức quan tâm. Đặc tính chung của virút cúm là có khả năng biến đổi cao nên nếu xuất hiện chủng virút cúm A/H7N9 mới có độc lực cao và lại có khả năng lây từ người sang người thì đây là một điều rất đáng lo ngại.


Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhập của virút cúm A/H7N9, Bộ Y tế phối hợp cùng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tăng cường công tác giám sát dịch cúm này trên gia cầm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur khu vực, cùng các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế… tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cả trong nội địa cũng như tại các cửa khẩu; sẵn sàng tiếp nhận, xét nghiệm nhanh các mẫu bệnh phẩm. Tại các bệnh viện, khi phát hiện những trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, diễn biến bất thường (sốt cao, hôn mê, suy hô hấp, bạch cầu giảm…), cần lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và kịp thời thông báo cho hệ thống giám sát các tuyến.


Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã chỉ đạo các đầu mối trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thường xuyên, hệ thống giám sát trọng điểm tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm những ca bệnh nghi ngờ. Viện hiện có đầy đủ nhân lực, phương tiện, sinh phẩm để tiến hành xét nghiệm, phát hiện ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 (nếu có).


Người dân cần làm gì để phòng ngừa virút cúm A/H7N9, thưa ông?


Cũng giống như việc phòng chống các bệnh đường hô hấp nói chung, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp; tránh đưa tay lên mũi và miệng; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa. Đồng thời, người dân cần nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao hợp lý… Đặc biệt, người dân không được vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.


Trường hợp bị cúm, người dân nên đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây bệnh ra những người chung quanh; khi có biểu hiện sốt cao, ho, đau ngực, khó thở..., cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

Xem xét khả năng virus  H7N9 lây từ người sang người
Xem xét khả năng virus H7N9 lây từ người sang người

Chỉ trong vòng 1 ngày (2/4), tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đã xuất hiện 4 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9, cả 4 trường hợp này xảy ra không cùng địa phương và có người không tiếp xúc với gia súc gia cầm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN