Điều này, đã khiến nhiều người lao động đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh rất vui mừng, còn phía doanh nghiệp (DN) cũng đã chủ động lên kế hoạch cân đối tài chính để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Người lao động vui mừng
Sau khi biết thông tin lương tối thiểu bắt đầu tăng từ ngày 1/1/2016, chị Lê Thị Hạnh, công nhân Công ty P/s (quận 9, TP Hồ Chí Minh) không giấu được sự vui mừng. Chị Hạnh cho biết: “Tôi rất vui khi biết Nhà nước tăng lương để giúp cải thiện đời sống cho người công nhân. Với chúng tôi, lương tăng được đồng nào là giúp chúng tôi bớt khó khăn phần đó. Một tháng lương của tôi khoảng 4 - 5 triệu đồng, nhưng phải vất vả lắm mới đủ chi tiêu. Lương tăng như vậy, sẽ giúp tôi có thêm một khoản dôi dư để gửi về quê cho ông bà nội lo cho 2 con chuyện ăn uống học hành”.
Người lao động rất vui khi được điều chỉnh tăng lương tối thiểu. |
Tiền lương một tháng của anh Đỗ Hoài Anh, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) khoảng 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền thuê phòng trọ một tháng đã mất 1,2 triệu đồng. Anh Hoài Anh chia sẻ: “Hai vợ chồng đều làm công nhân với mức lương tính cả tăng ca khoảng 5 triệu đồng/ tháng/người. Trong thời buổi giá cả đắt đỏ, tiền điện, tiền ăn, tiền học cho con cái… chúng tôi phải tiết kiệm lắm mới đủ. Vì vậy, khi biết sẽ được tăng lương, tôi và nhiều anh, chị em khác trong công ty đều cảm thấy rất vui. Riêng tôi, khoản tiền lương tăng thêm sẽ giúp gia đình tôi trang trải được một phần tiền thuê nhà trọ hàng tháng”.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Vinh (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho hay, mức lương tối thiểu của công nhân trong công ty thuộc vùng 4; vì vậy, nếu áp dụng tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2016, mỗi công nhân sẽ được tăng thêm khoảng 400.000 đồng/tháng. “Hiện mỗi tháng công ty trả cho người lao động bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/ người, mức thu nhập như trên không nhiều, song khá cao so với nhiều nơi trong cả nước. Để có thể đảm bảo đời sống của người lao động như trên là do công ty biết cân đối lại nguồn ngân quỹ và tích cực tìm thêm bạn hàng để đẩy mạnh sản xuất. Nhờ vậy, chúng tôi mới đảm bảo được điều kiện tăng lương tối thiểu cho người lao động, đồng thời giúp DN ổn định sản xuất”, ông Vinh khẳng định.
Tăng cường giám sát
Với hơn 280.000 lao động đang làm việc tại 15 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) của TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi được điều chỉnh tăng lương tối thiểu, công đoàn KCX - KCN đã có văn bản gửi tới các DN đề nghị nhanh chóng thực hiện.
Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động. |
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngay khi có Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo cho các DN nghiêm túc thực hiện. Đến nay đã có 10 DN trong số 765 DN đã điều chỉnh xong mức lương cho người lao động, chậm nhất đến cuối tháng 12, tất cả các DN sẽ điều chỉnh xong. Ngoài ra, chúng tôi còn nhấn mạnh với các DN khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm... Không được cắt các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định khi thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở cần tăng cường theo dõi giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu của DN. Khi thấy DN nào vi phạm cần báo ngay cho công đoàn cấp trên để kịp thời xử lý”.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc tăng lương tối thiểu mỗi năm là việc làm ý nghĩa đối với người lao động. Tuy nhiên, vào mỗi dịp tăng lương, các cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để các DN lách luật, trên danh nghĩa là có tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản chi phí khác của người lao động. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần bình ổn giá cả thị trường, không để tình trạng lương tăng, giá cả tăng theo, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động và mất đi ý nghĩa nhân văn khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu của Nhà nước.