Ông Pio Smith nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận tích hợp, đa ngành để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới, thông qua việc mở rộng các trung tâm dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh Dương trên khắp Việt Nam. Các trung tâm này cung cấp các dịch vụ tích hợp, thiết yếu và toàn diện cho người bị bạo lực trên cơ sở giới với các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ. Đến nay, 4 trung tâm Ánh Dương đã được thành lập với sự hỗ trợ của UNFPA. UNFPA đang tiến hành kế hoạch mở rộng sáng kiến hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của người bị bạo lực trên cơ sở giới.
Ông Smith ghi nhận những tiến bộ đã đạt được những năm gần đây của Việt Nam trong việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới: "Đầu tư vào bình đẳng giới và giải quyết bạo lực không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, mà còn là đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể thúc đẩy tăng năng suất và cải thiện phúc lợi của các thế hệ tương lai. UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và đối tác trong việc xây dựng một xã hội an toàn và công bằng hơn".
Bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương, gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, UNFPA phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang cấp phát 1.800 bộ đồ dùng thiết yếu cho người bị bạo lực giới và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm các vật dụng vệ sinh cần thiết, dụng cụ an toàn và thông tin về các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, giúp phụ nữ tự bảo vệ mình khỏi bạo lực...
Chuyến thăm lần này tái khẳng định mối quan hệ đối tác lâu dài của UNFPA với Việt Nam và sự cam kết từ hợp tác từ UNFPA đối với các đối tác tại Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản và quyền của mỗi cá nhân.
Trong 40 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với UNFPA và đạt được những bước tiến tích cực trong việc giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ có 2 người từng chịu loại hình bạo lực do chồng/bạn tình gây ra. Tuy nhiên, hơn 90 phần trăm phụ nữ không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.