Những ngày vừa qua, chuyện về những cây cầu giao thông luôn gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vụ sập cầu Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu) để lại nỗi đau khôn tả. Số phận cây cầu trăm năm tuổi - Long Biên cũng đặt lên bàn cân nếu không có quyết định của Thủ tướng giữ nguyên hiện trạng. Còn cầu Vĩnh Tuy - niềm tự hào của ngành giao thông vận tải Hà Nội bỗng nứt một số trụ, đến thời điểm này vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Nêu lại sự việc để thấy những cây cầu giao thông có rất nhiều vấn đề cần cảnh báo. Chất lượng của cầu treo Chu Va 6, cầu Vĩnh Tuy thì rõ như ban ngày. Còn với cầu Long Biên hơn trăm năm tuổi dù vẫn đủ sức gánh nhiều đoàn tàu hỏa qua lại mỗi ngày, nhưng bị cho là không phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của Thủ đô hiện đại.
Chuyện trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt không phải là hãn hữu. Theo phản ánh của dư luận, cầu Thanh Trì, cầu Phù Đổng đều có hiện tượng cả. Vấn đề ở chỗ, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng mà thôi. Với cầu Vĩnh Tuy, do chưa xác định được nguyên nhân, nên chưa thể đánh giá chính xác được mức độ nguy hiểm của sự cố. Nhưng người ta bắt đầu hoài nghi về độ an toàn và tuổi thọ của một cây cầu giá trị vài nghìn tỷ. Trước ồn ào của dư luận, các cơ quan chức năng của ngành xây dựng, giao thông vận tải, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã xuống thực địa và đưa ra những đánh giá theo kiểu "thầy bói xem voi", mỗi người phán một cách, không ai giống ai. “Người nhà cầu” là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì đánh giá, đó chỉ là hiện tượng “hắt hơi sổ mũi”, chỉ cần bơm keo trám vào vết nứt là được. Một số chuyên gia xây dựng thì cảnh báo, trụ cầu có khiếm khuyết về chất lượng do lỗi thi công... Vậy nên, người đứng đầu ngành xây dựng tuyên bố phải có một cơ quan độc lập kiểm định đánh giá chính xác nguyên nhân gây sự cố để có giải pháp xử lý dứt điểm, tất cả vì sự an toàn của công trình.
Dẫu thế nào thì cũng không thể lảng tránh câu hỏi trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan đến các công trình cầu kể trên. Vâng, lại thêm một lần phải đặt câu hỏi về trách nhiệm. Lâu nay, có không ít công trình giao thông bị xuống cấp nhưng cuối cùng cũng phủi tay, không biết quy trách nhiệm cho ai cả. Những hoài nghi về sự tư túi, rút ruột công trình theo thời gian cũng đi vào quên lãng. Với đặc thù của các công trình giao thông, thì việc quy trách nhiệm mỗi khi xảy ra sự cố thật không đơn giản. Do tính đặc thù là thời gian thực hiện kéo dài, có khi một dự án nhưng lại do nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện, quản lý, vốn đầu tư lớn... nên khi công trình “có vấn đề” rất khó quy trách nhiệm. Hơn nữa, xây dựng giao thông là lĩnh vực rất rộng, bao gồm từ khâu xác định dự án, khảo sát, thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện thi công xây dựng, quản lý dự án, chất lượng, tiến độ, chi phí... chính vì vậy, để quản lý hiệu quả, không thất thoát, lãng phí là điều hết sức khó khăn.
Ngành giao thông vận tải có chủ trương các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu phải công khai các hoạt động, cung cấp thông tin liên quan đến công trình dự án để người dân giám sát. Tuy nhiên việc làm này chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng các dự án chậm tiến độ, nhà thầu yếu kém vẫn tồn tại ở rất nhiều dự án nhưng không được các chủ đầu tư báo cáo và công khai trước dư luận. Minh chứng cho việc này là ở không ít dự án, nhiều nhà thầu được phê duyệt trúng thầu, nhưng lại yếu kém cả về năng lực tài chính, kinh nghiệm lẫn nhân sự điều hành. Thế nên trong thực tế, đã có không ít công trình, dự án hạ tầng giao thông đã bị bán cái, qua tay rất nhiều nhà thầu. Hệ quả, không những vốn công trình bị đội lên, mà chất lượng lại khó bảo đảm.
Vấn đề ở chỗ, muốn nâng cao chất lượng và giảm thất thoát ở các công trình giao thông, cần khẩn trương rà soát lại các chính sách về đầu tư xây dựng theo hướng quy trách nhiệm cụ thể (đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm). Hơn thế, là phải tạo cơ chế giám sát chặt chẽ (cả cơ quan chức năng lẫn người dân) đối với tiến độ cũng như chất lượng công trình, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “cha chung không ai khóc”.
Yến Nhi