Sau 11 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Thủ đô ngày càng phát triển, nhưng ngược lại người dân đang mất dần đi những không gian công cộng - yếu tố quan trọng của một thành phố đáng sống. Sức ép từ các mục đích sử dụng khác nhau như: phát triển hạ tầng giao thông đô thị, các hoạt động mưu sinh của người dân... khiến tình trạng "biến tướng" và thiếu không gian công cộng trên địa bàn thành phố trở thành vấn đề đáng báo động.
Không gian bị thu hẹp
Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân thông qua sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên, lưu giữ các ký ức chung và tạo dựng nên các biểu tượng gắn liền với một thành phố.
Đối với nhiều người dân, không gian công cộng là không gian vui đùa mà ai cũng có thể tiếp cận đa chiều theo nhiều hướng khác nhau, không bị rào chắn và không có thu phí sử dụng, thậm chí còn gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ.
Hiện nay, không gian công cộng tồn tại dưới 3 loại hình chủ yếu gồm: Không gian công cộng chính thống (quảng trường, công viên, phố đi bộ, vườn hoa...), không gian công cộng phi chính thống (vỉa hè, siêu thị...) và không gian cộng đồng (làng trong phố, khu tập thể cũ, khu đô thị mới...). Cùng với sự phát triển của kinh tế, những công trình hiện đại mọc lên "như nấm" khiến không gian công cộng Hà Nội đang bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm, tư nhân hóa và thương mại hóa.
Vỉa hè hay sân chơi ở các khu tập thể cũ đều bị lấn chiếm làm bãi đỗ xe hay nơi bán hàng quán. Người dân cũng không được tự do vào nhà văn hóa vì nhiều nơi biến thành phòng tập gym, aerobic...
Ngay tại những không gian công cộng chính thống như: quảng trường, công viên... cũng không còn là không gian công cộng theo đúng nghĩa vì người dân bị kiểm soát hoặc phải trả tiền để sử dụng. Chẳng hạn tại công viên Thống Nhất, người dân Hà Nội có thể thoải mái vào công viên tập thể dục mỗi ngày và không mất tiền mua vé, nhưng những người ăn mặc chỉnh tề bước qua cổng lại phải mua vé 4.000 đồng/người.
Chưa kể, những gờ sắt tại cổng công viên Thống Nhất vốn dùng để cấm xe máy lại đang gây khó khăn cho một nhóm yếu thế trong xã hội, đó là những người khuyết tật.
Tình trạng thiếu thốn không gian công cộng của người dân Hà Nội có thể nhìn thấy rõ tại khu vực phố cổ. Trong mắt con trẻ ở đây, không gian công cộng chỉ gói gọn trong các ngõ phố, vỉa hè hay sân trong giữa các công trình.
Vào các dịp cuối tuần, cả nghìn người lại đổ về các khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, các đại siêu thị tích hợp khu mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu giải trí... cũng là một loại hình không gian công cộng được người dân Thủ đô thường xuyên lui đến trong những năm gần đây.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Văn hóa nhận định, sự phát triển Hà Nội đang đi theo hướng đề cao giá trị thương mại hơn giá trị sử dụng và ưu tiên hơn cho phát triển kinh tế. Việc tư hữu hóa và hy sinh cho phát triển đang khiến quỹ đất dành cho phát triển không gian công cộng tại Hà Nội ngày càng hạn hẹp.
Thậm chí, ngay cả khi có quỹ đất thì các nhà đầu tư cũng không mặn mà vì lợi ích thu về không lớn và không gian phải mất tiền để sử dụng cũng không còn là không gian công cộng theo đúng nghĩa.
Sự can thiệp của những nhóm lợi ích khiến người dân không còn cảm thấy các không gian công cộng thuộc về họ. Người dân quá bận rộn với công việc mưu sinh cũng không có thời gian để tham gia cải tạo các không gian công cộng. Đặc biệt, ngay cả khi muốn đóng góp ý kiến thì người dân cũng không có quyền vì chủ đầu tư công trình và cơ quan quản lý Nhà nước mới là đơn vị quyết định sẽ xây dựng không gian công cộng như thế nào.
Đây là lý do khiến nhiều không gian công cộng được mở ra, nhưng không thu hút người dân vì không đáp ứng nhu cầu thực sự của người sử dụng; trong khi đó, Nhà nước lại đang áp dụng rập khuôn một mô hình không gian công cộng trên địa bàn toàn thành phố.
Hơn nữa, một trong những lợi ích lớn nhất mà các không gian công cộng mang lại cho người dân đô thị là sức khỏe. Việc vui chơi và tập thể dục thể thao tại các không gian công cộng giúp mọi người rời xa các thiết bị điện tử để vận động nhiều hơn, nhất là trẻ em.
Trước đây, trẻ em thành phố có thể thoải mái chơi đùa trên vỉa hè hay sân chơi ở các khu tập thể, nhưng nay luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm ở ngoài đường phố.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think PlayGrounds (TPG - chuyên xây dựng sân chơi cho trẻ em thành phố) đánh giá, các không gian công cộng giúp trẻ em khám phá những điều mới mẻ, tự tạo ra không gian vui chơi riêng hay đơn giản chỉ là chia sẻ niềm vui cùng người khác. Đó sẽ là những trải nghiệm rất bổ ích đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
“Chơi cùng nhau là một điều quan trọng giúp trẻ em tạo ra một thế giới nội tâm mạnh mẽ. Chúng sẽ không bao giờ chán các trò chơi vì luôn nghĩ ra những trò chơi mới. Đó là sức mạnh của sân chơi cộng đồng, tồn tại bền bỉ và giúp lũ trẻ tránh được những cú sốc tâm lý trong quá trình trưởng thành”, ông Đạt nhấn mạnh.
Biện pháp bảo vệ
Trước tình hình không gian công cộng tại Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều biện pháp để bảo vệ, cải tạo và mở rộng cho người dân Thủ đô. Song, một mình cơ quan Nhà nước không thể giải quyết vấn đề này vì đây là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Thực tế, một số tổ chức xã hội và cộng đồng người dân cũng đã có hành động cải tạo, mở rộng không gian công cộng, nhưng những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, rời rạc và chưa tạo ra bước ngoặt để cải thiện không gian công cộng cho người dân Thủ đô.
Một nghiên cứu của tổ chức phi Chính phủ Health Bridge đã chỉ ra rằng, mỗi người dân Hà Nội chỉ có không gian công cộng bằng 1 viên gạch. Đây là hệ quả của việc cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng nhiều không gian công cộng mà người dân rất khó tiếp cận vì khoảng cách xa, quy hoạch khép kín hoặc thu phí sử dụng.
Chính vì vậy, dù Hà Nội đã quy hoạch rất nhiều công viên với mục tiêu mỗi người dân sẽ có khoảng 3 m2 không gian công cộng, nhưng thực tế nhiều người không thể tiếp cận những không gian này.
Từ cơ sở đó, chuyên gia Đinh Đặng Hải của Health Bridge cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải xây dựng được những chính sách để người dân thực sự tham gia xây dựng không gian công cộng phục vụ nhu cầu thiết thực của chính họ, thay vì xây dựng các không gian công cộng giống nhau cho tất cả các khu vực.
Đơn cử tại Việt Nam, Health Bridge đã nhận thấy vai trò của người dân khi hỗ trợ thành phố Hội An xây dựng không gian công cộng trong vòng 5 năm. Người dân tại một số địa phương đã đóng góp đến 80% công sức và tiền bạc để xây dựng các không gian công cộng.
Đồng quan điểm với ông Đinh Đặng Hải, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cũng đánh giá cao vai trò của người dân trong việc xây dựng các không gian công cộng. Bằng chứng là TPG luôn tổ chức lấy ý kiến người dân địa phương trước khi xây dựng hay sửa chữa một sân chơi cộng đồng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và thiết kế sân chơi phù hợp nhất với nhu cầu của từng khu vực.
Sau khi các sân chơi được hoàn thành, đơn vị này sẽ bàn giao cho cộng đồng dân cư quản lý, nhưng vẫn tổ chức các hoạt động kiểm tra để kịp thời phát hiện hư hại và tiếp tục lấy ý kiến trước khi tiến hành cải tạo.
Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) nhận xét, phố đi bộ Hồ Gươm là một không gian tuyệt vời vì người dân được tự do xây dựng không gian riêng với nguồn lực của chính họ. "Tất cả những gì cơ quan quản lý Nhà nước cần làm chỉ là dựng hàng rào xung quanh bờ hồ vào khoảng thời gian nhất định. Nhưng liệu người dân có còn tập trung đông ở phố đi bộ nếu Nhà nước tổ chức luôn các hoạt động tại khu vực này?", ông Bình nêu ý kiến.