Trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Giúp đỡ đoàn viên đang khó khăn
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, tổ chức công đoàn đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm lo, đồng hành cùng người lao động vượt khó với phương châm "ở đâu có lao động, ở đó có công đoàn".
Chị Nguyễn Thị Vang, 31 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) là một trong những lao động vừa được nhận hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đang mang thai 7 tháng nhưng hai vợ chồng chị cùng mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID -19, lại không có tiền tiết kiệm nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ có sự tác động của công đoàn cấp trên cơ sở, gia đình chị Vang đã được giảm 30% tiền nhà trọ; chồng chị cũng xin được việc làm tạm thời thông qua giới thiệu của trung tâm tư vấn việc làm thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Chị Vang là một trong số hàng nghìn lao động đang phải đối mặt với hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng, trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Báo cáo cho thấy, số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó, lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người; số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019…
Với vai trò bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dành từ 250-500 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự phòng để thực hiện hỗ trợ cho 500.000 - 1 triệu đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối tượng được nhận hỗ trợ là đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành (1.490.000 đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, đây là lần đầu tiên trong lịch sử công đoàn Việt Nam quyết định sử dụng 10% nguồn quỹ dự phòng để chi hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, tất cả cán bộ công đoàn chuyên trách cả nước sẽ dành 3 ngày lương để giúp đỡ công đoàn viên khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Đây là những sự sẻ chia của công đoàn với đoàn viên và cũng là cái "phao cứu sinh" giúp đỡ những công đoàn viên đang rất khó khăn bởi COVID-19.
Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, Công đoàn Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động hướng về người lao động như tăng cường công tác phối hợp với ngành Lao động –Thương binh và Xã hội, Y tế, Bảo hiểm xã hội... trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện và công tác phòng, chống dịch COVID-19; phối, kết hợp trong các hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, tư vấn, đối thoại chính sách liên quan đến người lao động tại các doanh nghiệp; chăm lo, bảo đảm quyền lợi của đoàn viên và người lao động.
Đặc biệt, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020 với phương châm "Không để dịch bệnh COVID-19 lây lan trong công nhân lao động".
Khẳng định vai trò của công đoàn tại doanh nghiệp
May mắn không bị mất việc, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên anh Phan Ngọc Vũ (quê ở Nghệ An) cùng hơn trăm lao động tại Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội phải tạm thời nghỉ việc, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tất cả công nhân tại đây đều được hưởng 70% lương để đảm bảo cuộc sống, cho dù dây chuyền sản xuất đã ngừng hoạt động. "Chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng vào công ty cũng như tổ chức công đoàn. Không chỉ khi có dịch mà từ trước, đời sống vật chất, tinh thần cũng như các chế độ của anh em luôn được đảm bảo", anh Phan Ngọc Vũ chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội Đinh Vũ Minh Việt cho biết, lãnh đạo Công ty cùng tổ chức công đoàn luôn xác định người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Với 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã khẳng định được thương hiệu của mình trong sản xuất xe đạp, cung ứng cho thị trường. Để có được chất lượng sản phẩm tốt, cần phải duy trì đội ngũ lao động lành nghề, đó cũng là một trong nhiều lý do Công ty luôn đặt quyền lợi của công nhân lên hàng đầu.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao chế độ phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, Ban Chấp hành Công đoàn đã tham gia thương lượng, ký kết, bổ sung nhiều điều khoản cao hơn luật, có lợi cho người lao động vào Thỏa ước lao động tập thể như: Người lao động được thưởng chuyên cần theo tháng, quý, nửa năm, 9 tháng, cả năm; được nghỉ 5 ngày đặc biệt ngoài các ngày nghỉ lễ, Tết; được đi du lịch hằng năm; hàng tuần có thêm 1 – 2 bữa ăn ca được cải thiện; đối với lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ thì được đi vắt sữa mỗi lần 30 phút, ca 2 lần; phụ nữ có thai được làm việc trong tư thế ngồi ghế có tựa lưng…
Ban Chấp hành Công đoàn đã chủ động, tích cực vận động và tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp bổ sung vào nội quy lao động của nhà máy; chủ động thông tin cho người lao động biết những điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến việc làm, quyền và lợi ích của người lao động, từ đó góp phần hạn chế tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể...
Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) đã trang bị hệ thống cấp gió tươi, điều hòa, vách ngăn nhiệt trong mùa nắng nóng để duy trì hoạt động sản xuất. "Mỗi năm, Ban quản lý Công ty và Công đoàn tiến hành khảo sát, kiểm tra chất lượng, bảo dưỡng hệ thống làm mát, cấp gió, đảm bảo sức khỏe cho công nhân trong sản xuất", Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cho biết.
Ngoài việc đẩy mạnh hoạt động chăm lo cho công nhân trong những thời điểm nhất định, nhiều công ty trong các Khu công nghiệp còn có nhiều hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động như tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể với nhiều quyền lợi cho công nhân lao động; tham gia xây dựng định mức lao động, hệ thống thang bảng lương, chế độ phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng cho người lao động; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên nhằm nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho công nhân...
Có thể thấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động...
Bài 2: Sáng tạo để bảo vệ người lao động