Cử tri ở xã Kim Quan tìm hiểu tiểu sử của các ứng cử viên để lựa chọn ra đại biểu đủ phẩm chất và năng lực làm việc cho dân, vì lợi ích của đất nước. |
Mỗi cử tri đều ý thức, trách nhiệm tìm hiểu tiểu sử của từng ứng cử viên để lựa chọn người có tâm, cống hiến tài năng và trí tuệ vì nhân dân, vì đất nước.
100% cử tri đi bầu trước 17 giờSau lễ khai mạc và mở hòm phiếu, cử tri giáo dân tại các điểm bầu cử ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã có mặt rất đông để bầu cử. Linh mục Vũ Thái San của nhà thờ giáo xứ Phú Nghĩa cũng đến dự lễ khai mạc và bỏ phiếu. Linh mục San cho biết: “Chúng tôi đoàn kết, thực hiện quyền công dân và mong muốn thông qua lá phiếu của mình lựa chọn ra những đại biểu đủ đức, đủ tài để làm việc phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”. Các giáo dân giáo xứ Phú Nghĩa được phép linh mục nghỉ lễ để đi bầu cử sớm. Đến 13 giờ, tại hai điểm bầu cử số 5 và số 6 của xã Phú Kim có cử tri giáo dân đã đạt tỷ lệ cử tri đến bầu là 95%.
Cử tri giáo dân Nguyễn Đình Trung, 64 tuổi ở thôn Phú Nghĩa cho biết: "Tôi đến điểm bầu cử rất sớm, tìm hiểu kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để lựa chọn đúng người xứng đáng với kỳ vọng của người dân. Tôi nghĩ bản thân mình phải cân nhắc kỹ và có trách nhiệm để chọn lựa người làm việc tốt cho dân và xã hội. Tôi chọn ứng cử viên trẻ có năng lực, vì những đại biểu này năng động, dám đấu tranh sự thật để mang lại quyền lợi cho nhân dân và không phụ lòng tin của cử tri".
Các cử tri giáo dân ở xã Phú Kim tích cực đi bầu cử. |
Ông Cấn Văn Hồng, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Phú Kim phấn khởi khi nghe cán bộ tổng hợp phần trăm cử tri đến bầu. Ông Hồng chia sẻ: “Trước ngày bầu cử, tôi lo lắng vì sợ tỷ lệ cử tri giáo dân đến bầu cử không đạt, nhưng đến thời điểm 13 giờ mà tại 2 tổ bầu cử đều đạt trên 95% là rất khả quan. Những cử tri còn lại, Ủy ban bầu cử chỉ đạo cán bộ tổ bầu cử đến tận nhà để vận động đi bầu cử, những người không đi được thì dùng xe máy chở đi”.
Ông Hồng cho biết, xã Phú Kim có 243 hộ và 1.200 giáo dân, nhưng nhân dân trên địa bàn sống hòa thuận, đoàn kết không phân biệt lương giáo. Chính quyền địa phương thường xuyên đến giáo xứ để thăm hỏi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của linh mục và giáo dân để giải quyết kịp thời những khúc mắc. Trước ngày bầu cử, cán bộ xã đến chúc sức khỏe linh mục Vũ Thái San, xin phép cho giáo dân nghỉ lễ đi bầu cử sớm và mời linh mục đến dự khai mạc, thực hiện quyền bầu cử. Linh mục Vũ Thái San vui vẻ đồng ý và vận động giáo dân tích cực đi bầu cử sớm để tối đi làm lễ ở nhà thờ. “Chúng tôi phấn đấu đạt 100% cử tri đi bầu cử trước 17 giờ”, ông Hồng khẳng định.
Cử tri giáo dân Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Kim Quan (Thạch Thất) có mặt rất sớm tại điểm bầu cử để bầu cử. |
Tin tưởng đại biểu trúng cử14 giờ ngày 22/5 ở xã Kim Quan (Thạch Thất), tổ bầu cử số 4 và số 6 có cử tri giáo dân đã đạt trên 80% cử tri đi bầu cử. Ông Đỗ Xuân Nhung, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Kim Quan cho biết: “Cử tri giáo dân đến bầu cử rất sớm và họ tin tưởng những đại biểu do mình lựa chọn, vì trước bầu cử các ứng cử viên về gặp gỡ cử tri và trình bày chương trình hành động cụ thể, được cử tri đánh giá cao”. Ông Nhung cho biết, tiểu sử của các ứng cử viên được Ủy ban bầu cử gửi tận nhà của cử tri để tìm hiểu trước. Thông qua các cuộc tiếp xúc với các ứng cử viên, cử tri đề nghị sau khi được người dân tín nhiệm bầu thì phải dành nhiều thời gian và trí tuệ để quan tâm tới nguyện vọng đề đạt của nhân dân. Đại biểu Quốc hội khóa XIX và đại biểu HĐND các cấp phải thực sự là nô bộc của nhân dân, vì quyền lợi của người dân và đất nước để làm việc.
Cử tri giáo dân Nguyễn Mạnh Hùng ở tổ bầu cử số 4, xã Kim Quan chia sẻ: Tôi phải tìm hiểu tỉ mỉ tiểu sử của từng ứng cử viên, để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện tiếng nói của người dân. Tôi tin tưởng những đại biểu được cử tri bầu ra, sẽ phát huy tâm tài để cống hiến. Thời gian tới, bằng những việc làm cụ thể để chứng minh cho những lá phiếu của cử tri là đúng đắn”.