Đã có 11 thai phụ bị nhiễm vi rút Zika

Ngày 29/11, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã xác nhận có 11 thai phụ bị nhiễm vi rút Zika trên địa bàn. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng vi rút Zika chưa tác động nghiêm trọng lên thai kỳ so với các loại vi rút khác và không nguy hiểm bằng sốt xuất huyết.

        

Vi rút Zika không đáng sợ bằng các loại vi rút khác


Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 29/11, TP Hồ Chí Minh đã có 85 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định, trong đó có 11 thai phụ đang được theo dõi và chăm sóc thai kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa. Hiện thành phố đã có 19/24 quận, huyện ghi nhận có ca bệnh do vi rút Zika, trong đó quận 12 và quận Bình Thạnh có số người nhiễm vi rút Zika cao nhất.


Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh chiều 29/11, bác sĩ Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Từ Dũ, cho biết hiện bệnh viện đang quản lý 9 trường hợp mang thai nhiễm vi rút Zika, trong đó chỉ có 1 ca do bệnh viện phát hiện còn lại do các bệnh viện khác chuyển đến. Tuy nhiên, trong số 9 thai phụ đó có 2 ca nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu  thì một ca đã sảy tự nhiên và một ca xin bỏ thai. Các trường hợp còn lại đã được theo dõi và chưa có dấu hiện bất thường. Những thai phụ này đều có biểu hiện rõ ràng của bệnh như sốt, phát ban.

Thai phụ không nên quá hoang mang và lo lắng trước dịch bệnh Zika.


Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương, đến thời điểm này bệnh viện đã tầm soát được 17 ca, trong đó bệnh viện đang quản lý 3 trường hợp có thai, gồm một trường hợp hơn 13 tuần, một trường hợp 28 tuần và một trường hợp 35 tuần. Nếu so sánh thì bệnh do vi rút Zika không đáng sợ bằng bệnh sốt xuất huyết, bởi thai phụ bị sốt xuất huyết có thể nguy hiểm đến tính mạng.


Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ , trong thời gian qua, nhiều thai phụ tỏ ra lo lắng và yêu cầu tầm soát về Zika khá nhiều, thậm chí các thai phụ sẵn sàng bỏ chi phí để xét nghiệm tầm soát. Thế nhưng bệnh viện chỉ tầm soát cho những ca nghi ngờ. Theo đó, trong tháng 10 bệnh viện đã khám cho khoảng 26.240 thai phụ, trong đó chỉ 6 trường hợp đủ tiêu chuẩn xét nghiệm Zika và chỉ phát hiện một ca dương tính, 2 ca âm tính và 2 ca bị sốt xuất huyết.


Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, thai phụ không nên quá hoang mang và lo lắng, bởi hiện chưa có bằng chứng y học khẳng định bệnh đầu nhỏ hoàn toàn là do vi rút Zika mà nó còn do nhiều nguyên nhân khác như nhiễm sắc thể, các bệnh lý phối hợp khác... "Thực ra vi rút Zika chưa tác động nghiêm trọng lên thai kỳ bằng các loại vi rút khác, chẳng hạn như vi rút Rubella. Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika không có nghĩa là thai nhi cũng mắc vi rút Zika và cũng chưa chắc thai nhi nhiễm vi rút Zika sẽ bị mắc tật đầu nhỏ", bác sĩ Thanh cho biết.


Đẩy mạnh biện pháp phòng bệnh


Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết dù hiện nay bệnh viện chưa phát hiện ca bệnh nhiễm vi rút Zika nào nhưng bệnh viện vẫn xây dựng các kế hoạch phòng chống bệnh do vi rút Zika gây ra như chủ động về cơ sở vật chất, trang thiết bị; thành lập ban chuyên trách phòng chống dịch Zika; khám sàng lọc bệnh; xây dựng quy trình xử trí trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ do vi rút Zika...


Còn theo bệnh viện Từ Dũ, bên cạnh công tác chuyên môn, bệnh viện cũng cải tạo môi trường, loại bỏ những vật chứa đọng nước, phun hóa chất để diệt muỗi, diệt lăng quăng. 


Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết hiện chưa có trường hợp vi rút Zika gây biến chứng thần kinh nặng, việc điều trị bệnh cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu vẫn là công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh tình trạng lây lan trong bệnh viện.


Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng trong thời gian qua mặc dù lượng mưa đã giảm nhưng số ca mắc sốt xuất huyết và vi rút Zika vẫn tiếp tục tăng là do trứng muỗi có thể vẫn tồn tại trong môi trường ẩm từ 3 - 4 tháng, vì vậy chỉ cần mưa xuống, nước đầy lên sẽ nở thành muỗi. Do đó, phải làm sao tiêu diệt luôn trứng muỗi, nghĩa là môi trường phải sạch, những vật chứa đọng nước phải dẹp bỏ ngay.


Theo nhận định của Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, mầm bệnh vi rút Zika đang lưu hành tại thành phố. Những quận, huyện chưa có trường hợp mắc bệnh không có nghĩa là không có mầm bệnh vì 80% trường hợp mắc bệnh này không có triệu chứng. Do đó, trong giai đoạn này cần phải có kết quả test mẫu sớm để làm công tác dự phòng. Hiện thành phố sẽ đưa toàn bộ mẫu về Trung tâm y tế dự phòng để tập hợp và đưa về bệnh viện Nhiệt Đới xét nghiệm, tạo sự thống nhất để phát hiện ca bệnh sớm nhất.


Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang thực hiện rất nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh do muỗi gây ra như vi rút Zika, sốt xuất huyết... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao thì quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân trong việc vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi; thực hiện các biện pháp không để muỗi chích như ngủ mùng, dùng thuốc xịt muỗi...

Đan Phương
Báo động gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Báo động gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Kháng thuốc kháng sinh đang là mối lo của các bác sỹ, chuyên gia y tế khi số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và đa kháng thuốc ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN