Phun thuốc diệt muỗi là một biện pháp để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.. Ảnh: TTXVN. |
Những năm trước đây, vào cuối mùa mưa, tại Tây Nguyên cũng như tỉnh Đắk Lắk, bệnh sốt xuất huyết thường giảm dần. Thế nhưng năm nay ở tỉnh Đắk Lắk, bệnh sốt xuất huyết không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp; 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều có người mắc. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 12.050 trường hợp mắc số xuất huyết, tập trung nhiều nhất là thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’Leo và Buôn Đôn, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết kéo dài là do biến đổi của thời tiết mưa, nắng bất thường nên sinh ra nhiều muỗi, trong khi đó đồng bào các dân tộc lại chủ quan, ít thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, nên số người mắc bệnh sốt xuất huyết ngày càng gia tăng.
Tỉnh Đắk Lắk đã tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, nhất là đậy kín các chum, lọ, thu gom các phế thải quanh nhà, vỏ chai, lốp xe, vỏ dừa… chứa nước, không để cho muỗi đẻ trứng.
Ngoài việc phun thuốc diệt muỗi của các đơn vị chức năng, đồng bào các dân tộc cũng sử dụng sả, hun khói, dầu bạc hà, các loại hóa chất khác để đuổi, diệt muỗi. Các ngành chức năng cũng khuyến cáo đồng bào cần thường xuyên mặc quần, áo dài tay cho trẻ em, khi ngủ mắc màn. Đặc biệt, trong mùa thu hoạch cà phê này, khuyến cáo bà con khi ở trên nương rẫy cần mặc quần áo dài tay, mang khẩu trang, ngủ mắc màn để chống muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh cũng tăng thêm chương trình, thời lượng, phát thanh, truyền hình bằng ba thứ tiếng Kinh, Êđê và M’nông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Tỉnh Đắk Lắk thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và vi rút Zika.
Ngoài trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở huyện Krông Búk bị dị tật đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika, đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh.