Dân cư vùng sạt lở ven biển Ninh Thuận mòn mỏi chờ về nơi ở mới

Đã gần 5 năm nay, nhiều hộ dân sinh sống vùng sạt lở ven biển xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) luôn mong mỏi được về nơi ở mới, đảm bảo an toàn để sớm an cư, lạc nghiệp.

 Tuy nhiên mơ ước của người dân đến giờ vẫn chưa được toại nguyện, bởi đến giờ này dự án bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai tại địa phương vẫn chỉ là bãi đất trống.


Tại xã Cà Ná, 72 hộ dân sinh sống ngay tại vùng sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở luôn thấp thỏm lo âu mỗi khi nghe thông tin thời tiết diễn biến phức tạp, biển động, gió lốc có thể xảy ra.


Lo lắng là đúng, bởi cách đây khoảng 5 năm, hậu quả mà cơn bão để lại vẫn còn là nỗi kinh hoàng đối với người dân địa phương nơi đây. Cơn bão lớn hoành hành và tàn phá, làm hư hại đáng kể tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.


Ông Nguyễn Văn Hoài, ở xã Cà Ná bày tỏ, muốn xây nhà cửa vững chắc, khang trang để ở cũng không được phép vì đây là vùng sạt lở, rất nguy hiểm. Do hoàn cảnh khó khăn, không có đất ở nên đành ở lại nơi này sinh sống. Hễ đến mùa mưa bão là gia đình vô cùng lo lắng, vì nghe tin bão đến lại phải di dời, bão đi lại chuyển đến sinh sống rất vất vả. Người dân đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.


Khi hay tin được Nhà nước, UBND tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ vốn đầu tư, bố trí đến nơi ở mới, người dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên đến giờ này nơi ở cũ vẫn còn nguyên vẹn tình trạng nhà cửa lụp sụp trước sóng biển dữ, còn nơi ở mới được chọn bố trí dân ở thì chỉ là mặt bằng phơi trơ nắng cùng với những đóng đất cát to chưa san ủi bằng phẳng.


Ông Nguyễn Tấn Đệ, ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná bức xúc cho biết, đã biết đây là khu vực nguy hiểm, sạt lở, không cho người dân xây nhà ở vững chắc thì nên gấp rút thực hiện dự án bố trí nơi ở mới, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống.


Đằng này dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt cách đây gần 5 năm, điểm xây dựng nơi tái định cư đã có nhưng đến giờ chỉ hoàn thành việc san lắp mặt bằng. Không biết đến bao giờ gia đình mới có đất khu tái định cư xây dựng nhà ở để an cư, lạc nghiệp?


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, dự án bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná, huyện Thuận Nam có tổng vốn đầu tư hơn 52 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 36,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 15,6 tỷ đồng.


Dự án đã hoàn thành thủ tục di dân (72 hộ/291 khẩu) theo quy định tại Thông tư số 19/2015/TT-BNNPTNT ngày 27/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định quy trình bố trí, ổn định dân cư thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.


Tuy nhiên, việc triển khai dự án gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn đầu tư nên đến giờ chỉ thi công hoàn thành hạng mục san nền.


Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án trở nên chậm, kéo dài, một mặt là do khó về cơ chế, chính sách, mặt khác là khó về nguồn vốn thực hiện.


Việc di dời các hộ vùng bị ảnh hưởng thiên tai là rất cấp bách, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, nhưng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ của dự án.


Cụ thể dự án được thực hiện trong năm 2014-2015, nhưng đến nay mới bố trí được 12/52,006 tỷ đồng, chỉ đạt 23,05% tổng mức đầu tư được phê duyệt.


Để có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ thuộc đối tượng di dân của dự án, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp đề xuất UBND tỉnh mức hỗ trợ mới theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng.


Cụ thể hỗ trợ di chuyển 1 triệu đồng/hộ; hỗ trợ sản xuất 2 triệu đồng/hộ; hỗ trợ lương thực 30kg gạo/khẩu/tháng x 12 tháng. Do hầu hết hộ dân này là hộ nghèo nên khi đến nơi tái định cư cũng cần hỗ trợ kinh phí lắp đặt điện sinh hoạt và hỗ trợ lắp hệ thống nước sinh hoạt.


Tuy nhiên hai nội dung hỗ trợ này không có trong Quyết định 1776 của Thủ tướng nên để có kinh phí hỗ trợ phải chờ trình HĐND tỉnh thống nhất, ông Hiếu nói.


Công Thử (TTXVN)
Giải pháp công trình, phi công trình phòng chống sạt lở hai bờ sông Tiền
Giải pháp công trình, phi công trình phòng chống sạt lở hai bờ sông Tiền

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có sông Tiền dài 122,9 km và sông Hậu dài 34,4 km chảy qua, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN